Tăng cao khó kiểm soát
Sau 29 năm kể từ ngày phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại TP. Tân An, đến ngày 30/6/2022, tỉnh Long An ghi nhận 4.880 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.574 (32,3%) trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đang quản lý ở cộng đồng là 3.889 (trong đó có 620 trường hợp ngoại tỉnh).
Caption ảnh |
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Long An, số ca nhiễm HIV cao tập trung cao ở Đức Hòa, Bến lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An. Đây là những nơi phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh TP.HCM.
Cũng theo ông Linh, từ năm 2018 đến nay, khi dự án EPIC hỗ trợ cho tỉnh trong công tác phát hiện, khám sàng lọc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hằng năm số ca phát hiện mới tăng nhanh.
Năm 2021, dù đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng tỉnh vẫn phát hiện 342 ca mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 187 người nhiễm HIV mới, trong đó có 79 ca ngoại tỉnh, tử vong 18. "So với cùng kỳ 2021, số trường hợp nhiễm HIV mới tăng 45 ca, tử vong bằng cùng kỳ", đại diện CDC Long An cho hay.
Trong số 2.074 trường hợp được tư vấn và xét nghiệm HIV trong 6 tháng đầu năm 2022, CDC Long An phát hiện 258 trường hợp HIV dương tính, trong đó có 3 trường hợp nghiện ma túy, 9 phạm nhân, 204 MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) và 20 đối tượng vợ/chồng, bạn tình, bạn chích người nhiễm HIV.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, nếu giai đoạn năm 2018, tỷ lệ lây qua tiêm chích ma túy cao thì đến năm 2021, 95% ca nhiễm HIV lây qua đường tình dục.
Đặc biệt, số nhiễm HIV là nam giới tăng nhiều, trung bình trong 100 người có 92 trường hợp là nam giới. “Tỷ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM là khoảng 70%, như vậy cứ 3 ca thì có 2 ca nhiễm HIV”, ông Linh cho hay.
Còn tại Bà Rịa- Vũng Tàu theo báo cáo của Trung tâm, tính đến 30/06/2022, lũy tích số người nhiễm HIV của tỉnh là 5.285 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV còn sống tiếp cận được là 3.171 và 2.114 trường hợp nhiễm HIV đã tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện mới 102 trường hợp nhiễm HIV và không có ca tử vong. 8/8 huyện, thành, thị; 82/82 xã, phường, thị trấn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã phát hiện có người nhiễm HIV.
Đại diện CDC Bà Rịa- Vũng Tàu báo cáo về công tác phòng chống dịch HIV trên địa bàn. |
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh.
Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng mạnh từ 2,25% (IBBS 2011) lên 16,5% (2018).
Về giới tính, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới (66,5%), cao hơn nữ giới (33,5%). Lây qua đường máu chiếm tỷ lệ 42%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 55% và mẹ truyền sang con là 3%.
Độ tuổi nhiễm HIV cao nhất là ở độ tuổi >40 tuổi (45,3%), tiếp đến là độ tuổi 30-39 (35,9%), độ tuổi 20-29 (13,6%) và thấp nhất là độ tuổi 0-19 (5,2%).
Nhiều khó khăn chống dịch
Về phía địa phương, theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Long An dù có nhiều nỗ lực song hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Long An dù có nhiều nỗ lực song hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. |
Cụ thể, tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn chính là việc thực hiện một số gói mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị triển khai chậm trễ do chưa có kinh nghiệm trong mua sắm đấu thầu.
Một số ít các hoạt động mới chưa được hướng dẫn cụ thể về chứng từ thanh quyết toán. Chính sách về tài chính của dự án thay đổi hằng năm.
Do thiếu nhân lực có kinh nghiệm về đấu thầu mua sắm, công tác đấu thầu siết chặt nên tiến độ dự án bị chậm. Việc cán bộ rời bỏ ngành cũng là vấn đề với tỉnh trong việc đào tạo lớp cán bộ mới kế cận.
Là tỉnh giáp ranh TP.HCM số ca nhiễm HIV chủ yếu tập trung vào nhóm MSM tại các khu công nghiệp, đa số là người ngoài tỉnh nên khó quản lý.
Trong khi đó, hiện tỉnh chưa triển khai được những mô hình tiếp cận nhóm này, chủ yếu phụ thuộc vào mạng lưới đồng đẳng viên phát hiện, giới thiệu khách hàng đến tư vấn.
Ông Linh cũng bày tỏ quan ngại, tới đây khi dự án EPIC không còn tài trợ phần đồng chi trả xét nghiệm HIV sẽ là bài toán khó cho người bệnh vì đa số trường hợp phải điều trị dự phòng PrEP hay ARV đều là người nghèo, chi phí xét nghiệm cao.
Nếu các dự án không có nguồn tài trợ thì chúng tôi rất mong Trung ương có chính sách chỉ đạo nguồn ngân sách địa phương đồng chi trả cho đối tượng này.
Đại diện CDC Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh. |
CDC tỉnh Long An cũng đề xuất mở rộng hỗ trợ theo hiệu suất cho 100% Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) trên địa bàn. Hiện nay mới chỉ có 4 OPC được hỗ trợ, còn 3/7 OPC chưa được hỗ trợ, điều này sẽ khó khích lệ được tinh thần cán bộ triển khai nhiệm vụ, có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, bác sĩ Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu.
Vì vậy, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ virus trong máu của bệnh nhân đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai như: Xét nghiệm tầm soát nhanh, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và kiểm soát HIV/AIDS tận cơ sở. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới, trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm so với năm trước.
Can thiệp kịp thời
PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Trên phạm vi cả nước qua công tác giám sát trọng điểm 2020 phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV tới 13,3% trong MSM, ở một số tỉnh đặc biệt cao như: An Giang (13,5%), Kiên Giang và TPHCM (14,7%), Cần Thơ (22,7%).
Và để hạn chế điều này theo ông Mạnh trong thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị HIV, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Tuy nhiên, với nhiều lý do mà quần thể MSM khó tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV còn hạn chế, chưa đủ để khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM.
Còn theo ThS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Hiện nay nhóm quần thể MSM ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Tiếp cận nhóm quần thể này khó hơn các nhóm quần thể đích khác nếu không có sự tham gia tích cực của các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM.
Theo đó, nhóm CBO có lợi thế là sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các nhóm CBO là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác.
Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; Đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.