Lãnh đạo của 17 trong số 63 tỉnh, thành phố có lẽ sẽ không thể ngồi yên khi người dân trong tỉnh không cảm nhận được sự minh bạch, công khai trong hoạt động của chính quyền địa phương 5 năm qua, từ 2011 đến 2015. Bà Rịa - Vũng Tàu, Sơn La, Yên Bái, Quảng Bình, Đắk Nông là những tỉnh người dân ít hài lòng nhất. Mức giảm điểm so với giai đoạn 5 năm trước đó của các tỉnh này đều trên 15%.
Tương tự, người dân ở 16 tỉnh, thành phố đánh điểm thấp cho trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương. Hà Nam, Bình Dương là hai tỉnh có mức giảm cao nhất, lên tới trên 10%. Nhưng trong tiêu chí này, Hải Phòng là cái tên đứng trong nhóm điểm thấp liên tục 5 năm liền.
Vẫn có 2/3 trong số 63 tỉnh, thành phố bị đánh giá là dậm chân tại chỗ về thủ tục hành chính công. |
Còn Hà Nội lại là địa phương kiên trì nhất trong nhóm điểm thấp nhất ở tiêu chí kiểm soát tham những trong khu vực công trong cả giai đoạn khảo sát của PAPI. Trong nhóm tiêu chí này, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM đứng đầu nhóm 15 tỉnh giảm điểm đáng kể trong 5 năm.
Đặc biệt, liên quan tới tiêu chí thủ tục hành chính công, một trong những nội dung được kỳ vọng có nhiều cải cách nhất trong giai đoạn vừa qua, thì vẫn có tới 2/3 trong số 63 tỉnh, thành phố bị đánh giá là dậm chân tại chỗ. Hơn thế, tỉnh có điểm số thấp nhất, là Quảng Ngãi với 5,9 điểm, cũng không quá xa so với mức 7,51 điểm của Bắc Ninh. Đây cũng là tiêu chí có khoảng cách này thấp nhất so với 5 nhóm tiêu chí còn lại.
“Soi cụ thể tiêu chí này, nguyên nhân khiến người dân không cảm nhận được sự thay đổi là cả 4 dịch vụ mà PAPI đo lường (niêm yết công khai phí và lệ phí; năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ một cửa đều giảm điểm). Nói về dịch vụ một cửa, người dân nói là họ qua 1 cửa nhưng phải gặp nhiều người mới xong việc”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (CECODES), chuyên gia khảo sát PAPI cung cấp thông tin.
Ông Giang cũng nhấn mạnh rằng, năm 2015 chứng kiến sự suy giảm về hiệu quả quản trị và hành chính công ở 5 trong số 6 lĩnh vực khảo sát so với những năm trước. Điểm trung bình toàn quốc ở các chỉ số đều giảm, trừ nội dung cung ứng dịch vụ cung tăng điểm khiêm tốn.
Cũng phải nói thêm, ngay trong Lễ công bố Chỉ số PAPI, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã thẳng thắn đặt vấn đề rằng, chỉ số PAPI trên toàn quốc trùng khớp với nhiệm kỳ 2011-2015, nên báo cáo PAPI 2015 cũng tổng kết một cách khái quát trải nghiệm và mức độ hài lòng của người dân với hiệu quả hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh trong nhiệm kỳ chính quyền vừa qua.
“Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới, Báo cáo PAPI năm 2015 sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới”, bà Pratibha Mehta nói.
Chính vì vậy, khi trao đổi với các địa phương về xu thế biến đổi cấp quốc gia của chỉ số PAPI 5 năm qua, ông Paul Schler, Giảng viên chính trị học, Đại học Arizona (Hoa Kỳ), chuyên gia tư vấn về chọn mẫu và kiểm định chất lượng nghiên cứu cua UNDP đã nhắc tới quan điểm PAPI không phải là đích hướng tới, mà là cơ hội đánh giá kết quả công tác quản trị, điều hành của các cấp chính quyền ở nhiều phương diện.
“PAPI không nhằm mục đích chỉ trích chính quyền địa phương, càng không khuyến khích các cuộc đua không lành mạnh để tăng điểm số. Chỉ số PAPI đóng vai trò như nhiệt kế đo lường những thay đổi thực chất trong hiệu quả quản trị địa phương”, ông Paul Schler chia sẻ.