Đây là những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất trong tạo việc làm, đãi ngộ người lao động, tạo dựng môi trường làm việc bền vững và có kết quả kinh doanh cao, bền vững.
Chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và uy tín nhà tuyển dụng.
Danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất được lựa chọn dựa trên các nhóm tiêu chí có phân bổ trọng số phù hợp bao gồm:
Nhóm tiêu chí liên quan đến Nhân sự và Uy tín nhà tuyển dụng: Được đánh giá dựa trên Uy tín thương hiệu nhà tuyển dụng, Quy mô nhân sự, Cơ cấu lực lượng lao động.
Nhóm tiêu chí liên quan đến Hiệu quả Sản xuất Kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Doanh thu, Tốc độ tăng trưởng.
Nhóm tiêu chí liên quan đến Thu nhập và chế độ phúc lợi: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Thu nhập bình quân của người lao động, Chính sách nhân sự, Môi trường làm việc và Văn hóa doanh nghiệp.
Danh sách các doanh nghiệp trong Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành Bán lẻ được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://bestemployer.vn/
Top 10 nơi làm việc tốt nhất 2022. Ngành: Bán lẻ |
Sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thị trường bán lẻ Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 4,2 triệu tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng 21% so với cùng kỳ. Ngành Bán lẻ đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn trước Covid.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh vượt giai đoạn trước đại dịch trong khi những doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn có tốc độ phục hồi, tăng trưởng ấn tượng. Đây là dư địa để các nhà bán lẻ tăng khuyến mãi, hỗ trợ người tiêu dùng khi vật giá leo thang.
Trong bối cảnh phục hồi và phát triển trở lại của ngành, nhân lực trong ngành hiện nay đang rất cạnh tranh. Nguyên nhân là do các chuỗi bán lẻ liên tục mở rộng, phát triển điểm bán mới, thị trường có thêm nhiều doanh nghiệp mới gia nhập, các công ty thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ…, đã đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng lên cũng như tạo ra cuộc cạnh tranh thu hút người tài bằng lương thưởng, phúc lợi. Đó là chưa kể, ngành Bán lẻ còn phải giành và giữ người với các ngành khác vốn cũng có nhiều cơ hội thăng tiến, lương bổng, như bất động sản, ngân hàng, du lịch…
Đối mặt với tình trạng này, các nhà bán lẻ trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp trong Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành Bán lẻ đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân sự với các quy trình đào tạo bài bản, chế độ thu nhập và phúc lợi cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành và các chiến lược phát triển nhân sự phù hợp trong giai đoạn mới.
Nguồn: Top 10 nơi làm việc tốt nhất năm 2022, ngành Bán lẻ (www.bestemployer.vn) |
Qua nghiên cứu và đánh giá trên các tiêu chí liên quan đến cơ hội nghề nghiệp, lương thưởng và phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và các yếu tố khác cũng như tiềm năng tăng trưởng và uy tín của doanh nghiệp và thương hiệu nhà tuyển dụng trên thị trường, Viet Research và Báo Đầu tư đưa ra danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất trong ngành Bán lẻ bao gồm: Công ty CP Đầu tư Thế giới di động; Công ty TNHH Dịch vụ EB (Big C Việt Nam); Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú nhuận; Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce; Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail); Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra); Công ty TNHH Mega Market Việt Nam; Công ty cổ phần tập đoàn đá quý Doji; Công ty cổ phần Con Cưng.
Thị trường bán lẻ đã dần khôi phục lại mức trước đại dịch, các doanh nghiệp đang từng bước định hình chiến lược kinh doanh và nhân sự mới cho thời kỳ bình thường tiếp theo. Nhu cầu tuyển dụng của ngành cũng tăng nhanh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do áp lực lớn nên nhân sự nhảy việc diễn ra mạnh mẽ qua các năm.
Trong khi đó, nguồn nhân sự đáp ứng điều kiện trên thị trường lại thiếu hụt. Thiếu vì nhiều người lao động không ưa thích việc bán hàng, coi đây chỉ là công việc tạm thời trong lúc chưa tìm được việc đúng theo ngành đã học, chưa chấp nhận một số yêu cầu của ngành dịch vụ như đi làm vào thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết; chưa có kinh nghiệm chịu đựng áp lực khi phải phục vụ số lượng lớn khách hàng vào giờ cao điểm với vô vàn những tính cách khác nhau. Thiếu vì người ứng tuyển chưa đúng với nhu cầu, bởi không có trường lớp đào tạo bài bản, chính quy mà chỉ là bản thân người lao động tự học, tự trang bị các kỹ năng mềm…
Để giải quyết tình trạng khát nhân sự của ngành bán lẻ trong giai đoạn hậu covid, trước mắt là cần có một bộ tiêu chí chung của ngành bán lẻ. Bộ tiêu chuẩn này phải được xây dựng từ phía chính các doanh nghiệp hoạt động thực tiễn trong ngành chứ không phải các tiêu chí xa rời thực tế, không cứng nhắc để các nhà bán lẻ chủ động đưa thêm những khác biệt của riêng mình làm lợi thế cạnh tranh. Tiếp đến là phải định hướng lại xã hội về nghề nghiệp bằng giáo dục.
Theo đó, cần thay đổi tư duy của nhiều người Việt Nam là phải học đại học nhưng lại không biết học xong mình sẽ làm gì khi ra trường, không có kỹ năng cụ thể hoặc mơ mộng quá lớn. Cần đưa định hướng nghề nghiệp vào ngay trong nhà trường phổ thông để học sinh hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì, mình cần làm gì cho tương lai.
Lễ công bố Top 10 nơi làm việc tốt nhất trong ngành Bán lẻ sẽ được công bố chính thức tại Diễn đàn “Tạo dựng môi trường làm việc tốt: Chìa khóa cho phát triển bền vững” tổ chức vào ngày 21/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://bestemployer.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.