Giới kinh doanh chắc chắn cảm thấy phấn khích khi đích thân người đứng đầu Chính phủ nói lời xin lỗi. Phấn khích bởi Thủ tướng Chính phủ chia sẻ và thấu hiểu nguyên nhân những khó khăn mà họ phải đối mặt khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
Công chức đang sống bằng tiền thuế của dân; đạo đức, nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức phải được xây dựng trên nền tư duy phục vụ người dân, DN. |
Nhưng, sự phấn khích chỉ biến thành niềm tin, thành động lực thúc đẩy trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế nếu sau lời hứa là những giải pháp, hành động cụ thể của từng cán bộ, công chức, từ cao nhất đến thấp nhất, trong bộ máy nhà nước.
Nhưng điều này không hề dễ dàng. Phải nhắc tới người đã tranh thủ diễn đàn Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp để gửi tới người đứng đầu Chính phủ lời than phiền về đạo đức của công chức, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam. Bà Cúc đã thẳng thắn đề nghị phải có chương trình đào tạo và có chế tài để cán bộ công chức hiểu được họ đang sống nhờ phần nộp thuế mà cộng đồng doanh nghiệp, dù đang rất khó khăn cũng cố gắng thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm này.
Bà Cúc nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế. Với tư cách từng là người trong ngành, những than phiền của bà về cách ứng xử của công chức thuế với doanh nghiệp có lẽ đã đôi phần giảm nhẹ. Với nhiều doanh nghiệp, thuế là một trong những ngành gây nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính.
Nhưng chưa nhiều công chức hiểu được mối quan hệ này, hay có thể hiểu nhưng tư duy và ứng xử không tuân thủ theo bản chất của nó. Thể hiện ở tư duy ban hành văn bản pháp luật theo kiểu mỗi nơi hiểu một cách, mỗi cơ quan hướng dẫn thực thi một kiểu, không cần băn khoăn xem người thực thi là doanh nghiệp, là người dân sẽ hiểu và tuân thủ thế nào.
Thể hiện ở cách thức tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kiểu kết quả đơn vị nào thực hiện thì đơn vị đó sử dụng, không màng tới kết quả tương tự đã có. Đương nhiên, doanh nghiệp cùng lúc phải tiếp vài đoàn kiểm tra về cùng một nội dung cũng không phải là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước phải bận tâm.
Hay như kiểu tư duy của ngành thuế là đã thanh tra, kiểm tra thì phải tìm ra bằng được sai phạm của doanh nghiệp để thu tiền về…
Sự không rõ ràng, minh bạch trong hành xử của công chức với doanh nghiệp không chỉ là nguyên nhân tạo nên những phiền hà, phức tạp trong thực thi pháp luật, nhất là thực hiện thủ tục hành chính. Trong điều tra mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì đạo đức công chức cũng đang là một trong những nguyên nhân gây nên mối lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp thân hữu, những doanh nghiệp có mối quan hệ với cán bộ chính quyền địa phương.
Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.
Yêu cầu từ người đứng đầu Chính phủ đã rất rõ ràng. Vấn đề là thực thi và kiểm soát thực thi ở từng cấp, từng đơn vị và từng cán bộ công chức.
Khánh An