Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) cùng các văn kiện liên quan đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.
Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định. Trước đó New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã thông qua hiệp định và thông báo có hiệu lực từ ngày 30/12 khi đã có đủ 6 nước phê chuẩn.
11 nước tham gia CPTPP có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc được cho đang xem xét việc gia nhập CPTPP.
CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Tuy nhiên, cùng với đó là những nỗi lo về những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là các vấn đề như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...
Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) IPO thành công năm 2016 mở ra kênh huy động vốn trong tương lai, làm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của Vissan với mong muốn minh bạch hóa mọi thông tư về các mặt của công ty đến các nhà đầu tư |
Trong sân chơi này, theo độ cam kết của Việt Nam ở Chương 17, CPTPP về Doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) và doanh nghiệp độc quyền chỉ định có nói đến độ minh bạch với các điểm đáng chú ý.
Trong 20 năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước từ 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 90 đã giảm xuống còn khoảng 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Cụ thể, trong vòng 5 năm kể từ ngày CP-TPP có hiệu lực, Việt Nam phải công khai danh sách các doanh nghiệp nhà nước có doanh thu từ 500 triệu USD/năm (tương đương khoảng 15.700 tỷ đồng) trở lên trong ba năm liền trước. Đây là mức áp dụng riêng cho Việt Nam, Brunei và Malaysia, còn mức chung của Hiệp định là 200 triệu USD/năm.
Trong các năm tiếp theo, Việt Nam phải công khai doanh nghiệp nhà nước có doanh thu từ hoạt động kinh doanh vượt ngưỡng chung trong ba năm liền trước (ngưỡng này sẽ được các nước xác định theo công thức tính trong Hiệp định mỗi ba năm tính từ ngày Hiệp định có hiệu lực).
Ngoài ra, Việt Nam phải cung cấp cơ sở thông tin khi có yêu cầu của thành viên CP-TPP. Ví dụ về các lĩnh vực độc quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước với thông tin về doanh thu, quản lý, thành viên hội đồng, các quyền miễn trừ, báo cáo tài chính.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cung cấp thông tin về chính sách trợ cấp, cơ sở pháp lý, lãi suất cho vay khi có yêu cầu của thành viên CPTPP (khi có yêu cầu bằng văn bản, bao gồm giải thích các chính sách đó có thể gây ảnh hưởng tới thương mại hoặc đầu tư giữa các thành viên CPTPP)
Việc Việt Nam minh bạch tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước theo các điều khoản nói trên được cho là “vùng sáng” đối với các nhà đầu tư tổ chức, chiến lược trong việc thực hiện các thương vụ M&A.