Chưa xác định được số tiền thất thoát
Phân tích những nguyên nhân dẫn tới trục lợi bảo hiểm y tế, một đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay, có tới 65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế, nhưng những khúc mắc trong sản xuất, kinh doanh và cung ứng đang tạo ra các kẽ hở.
Trong buổi đối thoại với các cơ sở y tế tư nhân diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược và vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết, các bệnh viện tư nhân đang có xu hướng chọn mua thuốc thương mại cùng hoạt chất trúng thầu giá cao. Khảo sát tại 31 tỉnh, thành cho thấy, chênh lệch giá thuốc do giá trúng thầu cao hơn giá trung bình đã tới hơn 121 tỷ đồng.
Ông Tỉnh dẫn chứng trường hợp Phòng khám đa khoa Phương Nam (Cà Mau). Trong cùng hoạt chất Cefixim 100mg, phòng khám này trúng thầu 2 loại thuốc là Crocin 100 (giá 4.500 đồng/viên) và Euvixim 100 (giá 840 đồng/viên). Phòng khám chỉ sử dụng Crocin mà không sử dụng Euvixim, mặc dù dùng Euvixim sẽ tiết kiệm gần 2,059 tỷ đồng. Do phòng khám này lựa chọn sử dụng thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không phổ biến với giá trúng thầu cao, nên năm 2016, đã bị BHXH từ chối thanh toán 71 tỷ đồng do có yếu tố trục lợi.
Kẽ hở được chỉ ra là, các bệnh viện cứ làm theo yêu cầu giá trúng thầu không được cao hơn giá cao nhất của năm trước, khiến giá thuốc trúng thầu giữa các bệnh viện chênh lệch một cách bất hợp lý. Năm 2015, chỉ với hơn 20 mặt hàng thuốc có hàm lượng đặc biệt, dễ được các bác sỹ chỉ định, đã trúng thầu tới gần 500 tỷ đồng vào các bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng ban Dược và vật tư y tế lấy ví dụ tỉnh Thanh Hóa đã gom tất cả các mặt hàng vào một gói thầu, khi thực tế không doanh nghiệp nào kinh doanh và cung ứng tất cả các mặt hàng. Vậy là, doanh nghiệp của tỉnh trúng thầu phải đi gom hàng, khiến giá bị đẩy lên.
Cần những biện pháp triệt để
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, trong gần 47 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán (giá trị hơn 17.000 tỷ đồng), đã phát hiện trên 10% hồ sơ sai phạm và bị từ chối thanh toán số tiền gần 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, 10% số hồ sơ bị từ chối còn chưa sát với thực tế nên khó chỉ ra những sai sót cụ thể. Chưa kể, cả nước có hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh, nhưng chỉ có 3.000 giám định viên bảo hiểm y tế, khiến việc giám định hồ sơ bị quá tải.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân Việt Nam đề xuất: "Số liệu công bố về lạm dụng bảo hiểm y tế nên đưa ra từ một bên thứ 3 như Kiểm toán Nhà nước. Việc công bố trục lợi phải nêu rõ tên tuổi, địa chỉ, không thể “vơ đũa cả nắm”. Cơ sở nào sai thì không thanh toán, sai phạm nghiêm trọng thì khởi tố. Chứ nói chung chung, khiến nhiều đơn vị bị từ chối thanh toán là không hợp lý”.
Trong khi những biện pháp nhằm giảm thiểu trục lợi bảo hiểm y tế phía BHXH đưa ra chưa giải quyết triệt để, thì mới đây, trong chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và xử lý nghiêm doanh nghiệp, tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, việc BHXH Việt Nam vừa ký kết văn bản phối hợp với Hiệp hội Y tế tư nhân Việt Nam với mục tiêu minh bạch thông tin giữa khối tư nhân và cơ quan BHXH, có thể coi là những giải pháp hữu hiệu để giải bài toán trục lợi bảo hiểm y tế.