Sáng nay, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 do Bộ Tư pháp tổ chức, với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, .đã diễn ra
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Chí Cường |
Chủ đề Bộ Tư pháp lựa chọn cũng rất phù hợp, khi đất nước ta đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng nhận định, trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới rất phức tạp với nhiều thách thức to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội. Môi trường quốc tế bất ổn và đại dịch Covid-19 đặt ra cho chúng ta nhiều khó khăn rất lớn, chưa có tiền lệ, nhất là trong việc duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động…
Việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn về pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực trong những năm qua. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan và đã kiến nghị, đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6000 văn bản, cho thấy có những sự chồng chéo trong văn bản và đã tiến hành rà soát, sửa đổi. Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội khác.
Diễn đàn có sự tham dự của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các nhà chính sách và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người dân còn hạn chế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa hoạt động tốt trong nước, vừa cạnh tranh có hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn.
Yêu cầu về chất lượng, nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn. Từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức dịch vụ tư vấn hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn và trách nhiệm ngày càng lớn hơn.
Trước đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác hỗ trợ pháp lý, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp tại diễn đàn này, có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Đồng thời chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý, giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện hỗ trợ pháp lý.
“Tôi tin tưởng rằng diễn đàn sẽ là kênh quan trọng để giúp các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong việc thực hiện, đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hơn tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của mình; hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của mình trong quá trình đóng góp, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, sau đại dịch, diễn đàn được tổ chức nhằm kịp thời nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan; qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển", Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở những chia sẻ, trao đổi tại hội trường, mà Bộ Tư pháp, (thông qua Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025), sẽ tiếp tục theo đuổi, hỗ trợ nhằm tìm ra lời giải cụ thể, rõ ràng cho những khó khăn, vướng mắc pháp lý được nhận diện trong khuôn khổ diễn đàn thông qua việc kết nối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sau diễn đàn.