Chúng tôi đến thăm Khu công nghiệp (KCN) Đại An - “đứa con” đáng tự hào của Công ty cổ phần Đại An - vào dịp Công ty đang hướng về ngày kỷ niệm 15 năm thành lập (12/12/2001 - 12/12/2016). Ngập tràn khắp KCN là cờ, hoa và bầu không khí tươi vui, phấn khởi.
Đi dưới bóng râm của những hàng cây trong khu dân cư Đại An, thuộc KCN Đại An, có một cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, tách biệt hẳn với ồn ào vốn có của Quốc lộ 5A nằm ngay sát KCN này. Trên đường đi, cứ quãng 300 - 400 m là lại thấy một tốp 2 - 3 phụ nữ đã luống tuổi vừa nói chuyện vui vẻ, vừa thoăn thoắt đôi tay cắt tỉa những ngọn cỏ, cành cây dọc con đường nội khu.
“Những người đang làm việc ở bộ phận này đa phần là người dân trước đây dành đất cho dự án”, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty mở đầu cho những chia sẻ về chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển Công ty. Chặng đường đó gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện KCN Đại An.
Mô hình khu công nghiệp trong làng, làng trong khu công nghiệp để người dân không phải ly hương được coi là một dấu ấn thành công của Khu công nghiệp Đại An. |
Vạn sự khởi đầu nan
Bất kỳ doanh nghiệp, doanh nhân đã thành công hay đang thành công đều phải trải qua sự khởi đầu non trẻ với bao khó khăn. Với Đại An và bà Phương cũng thế. Đang sinh sống và làm việc ổn định tại Sài Gòn, năm 2001, bà cùng với hai người bạn quyết định ra Bắc thành lập Công ty cổ phần Đại An tại Hà Nội. Quãng thời gian sau đó là chuỗi những chuyến đi dài không biết mệt mỏi. Đi để khảo sát mô hình KCN, đi để chọn điểm đầu tư, đi để tìm đường đi riêng cho Công ty... Đó còn là quá trình thuyết phục và giúp đỡ người dân vùng dự án ổn định cuộc sống để nhường đất cho KCN.
Phải đến tháng 3/2003, KCN Đại An mới chính thức được thành lập. Không thể kể hết, tả hết những vất vả mà cả một tập thể đã cùng vượt qua để đưa một doanh nghiệp vỏn vẹn vốn đăng ký ban đầu là 3,5 tỷ đồng, trở thành chủ của KCN Đại An có quy mô rộng hơn 645 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng như bây giờ.
Điều khiến Công ty lao tâm khổ tứ nhiều nhất vẫn là việc thuyết phục người dân nhường đất cho dự án. Để KCN Đại An được hình thành, thì cuộc sống hàng ngày, sinh kế của hàng trăm hộ dân vùng dự án sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi vậy, phải làm gì để cuộc sống của họ ít bị biến động nhất, để họ có cuộc sống tốt hơn là điều mà Đại An luôn trăn trở.
Hơn 38.000 công nhân và 10.000 người làm dịch vụ phục vụ KCN, trong đó khoảng 90% là người địa phương đã có cuộc sống ổn định.
Bằng việc lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng tốt nhất có thể nguyện vọng của người dân, đồng thời, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nên việc giải phóng mặt bằng cho dự án đạt được tiến độ nhanh kỷ lục tại Hải Dương lúc đó - chỉ trong vòng 1 năm. Kết quả này thật đáng vui, nhưng đi cùng đó là trách nhiệm rất lớn. “Dù Công ty có bù đắp nhiều thế nào thì cũng không thể đủ. Dành đất cho dự án cũng chính là sự hy sinh cuộc sống bình yên vốn có của người dân nơi đây”, bà Phương chia sẻ.
Vậy nên, chỉ có thể bù đắp cho họ bằng chính những lợi ích mà dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại. Chính từ cam kết đó, Đại An kiên định với đường hướng đã lựa chọn từ đầu là sẽ trở thành một doanh nghiệp không chạy theo lợi nhuận. Và mô hình KCN trong làng, làng trong KCN để người dân không phải ly hương có thể được coi là một dấu ấn thành công hôm nay.
Tạo sự khác biệt
Đã nói là làm, những lời hứa, những trách nhiệm đã và đang được thực hiện. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt và trở thành đặc điểm nhận diện cho Công ty cổ phần Đại An, cho KCN Đại An. Đó là một Đại An mà mọi người lao động đều được ký hợp đồng lao động chính thức, đều được đóng bảo hiểm. Đó là nơi mà hơn 5.700 người lao động không phải lo về nơi ở khi có sẵn khu nhà ở dành cho người lao động ngay trong KCN. Và sắp tới, sẽ có cả nhà trẻ riêng cho con em của người lao động.
Đó là một Đại An mà người dân vùng dự án được ở lại và làm việc cho Công ty, cho KCN. Đây là câu trả lời đầy trách nhiệm của việc thực hiện lời hứa với những người dân từ cách đây gần 15 năm trước. Nói thì ngắn gọn thế, nhưng để thực hiện thì cần có tâm và trách nhiệm rất lớn cả về tài chính và nhân lực của doanh nghiệp. Mô hình Công ty đã áp dụng đầu tư cho KCN Đại An là đô thị - dịch vụ - công nghiệp, thay vì mô hình thường thấy là công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Một trục đường giao thông Đông Tây nối liền từ đường rộng 52 m của Thành phố Hải Dương qua KCN đến đường 394 có mặt cắt 33 m đã được Công ty đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Nhờ đó, Khu dân cư Đại An rộng gần 20 ha và Khu dân cư Đại An II rộng 39 ha đã được kết nối với KCN và Thành phố Hải Dương, tạo thành một chuỗi đô thị, dịch vụ và công nghiệp như Công ty mong muốn.
Cũng vì muốn người dân vùng dự án không phải ly hương, nên Công ty đã tạo lập được một môi trường sống an toàn cho người dân. Và cũng vì thế, Đại An đã không chạy theo lợi nhuận và thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhà đầu tư thứ cấp phải đáp ứng những tiêu chí của Đại An thì mới được chọn. Đó luôn phải là những dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm, sử dụng lao động có đào tạo. “Họ sống cùng với các dự án nên không thể để họ hít bầu không khí ô nhiễm, uống dòng nước nhiễm độc được”, bà Phương chia sẻ.
Đó còn là một Đại An sẵn sàng cho đi. Hơn 30 tỷ đồng là số tiền Công ty đã sử dụng cho những hoạt động xã hội nhân đạo. Những chuyến đi, những phần quà đến với những mảnh đời còn khó khăn, những con người trong lúc hoạn nạn đã khiến chữ “tâm”, chữ “tầm” của Đại An thêm vẹn tròn hơn.
Bước vào tương lai
Hiện Đại An đang hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để xây dựng trường đào tạo nghề cho người lao động. Như vậy, người dân sẽ có cơ hội được chuyển đổi nghề. Còn người lao động thì được nâng cao trình độ. Và các nhà đầu tư thứ cấp trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ yên tâm khi chọn KCN Đại An làm điểm đến. Và như lời nhận xét của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư TP. Hải Dương thì KCN Đại An chính là KCN kiểu mẫu, để cho các KCN khác tại Hải Dương học tập.
Ghi nhận cho những cố gắng và nỗ lực của cả tập thể và các cá nhân trong suốt 15 năm qua, Công ty đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Hải Dương. Đặc biệt, năm 2011, Công ty đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty và cá nhân bà Trương Tú Phương.
Nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cá nhân bà Trương Tú Phương đã được ghi danh bảng vàng doanh nhân. Và mới đây, bà tiếp tục được nhận Cúp Thánh Gióng - doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Vui hơn nữa, khi đánh dấu chặng đường 15 năm, Đại An đã nhận được quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước theo Quyết định số 07/QĐ-CTN ngày 04/01/2017.
Chia sẻ thêm về tương lai, bà Phương cho biết, song song với việc tiếp tục hoàn thiện khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đại An, chăm sóc người lao động, sẽ là đào tạo thế hệ kế cận. Bởi, bà mong Đại An sẽ có thêm nhiều có số 15 năm nữa, với nhiều cái làm được hơn, để những điều, những lời hứa, những cam kết mà bà và Đại An của ngày hôm nay chưa thực hiện được vẹn toàn thì thế hệ kế cận sẽ tiếp tục thực hiện.