Doanh nghiệp
Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa: Bấp bênh lấy ngắn nuôi dài?
Chí Tín - 10/09/2019 10:29
Nợ ngắn hạn của Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar) có tỷ trọng rất cao, trong khi Công ty khá mạnh tay đầu tư cho các tài sản dài hạn. Nguồn vốn ngắn hạn nếu bị lạm dụng cho đầu tư dài hạn có thể đẩy doanh nghiệp vào trạng thái bấp bênh về tài chính.
Tại thời điểm 30/6/2019, nợ phải trả của TTC Sugar là 10.954 tỷ đồng, trong đó phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn với hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm hơn 82% tổng nợ của Công ty.

Phần lớn nợ là ngắn hạn

Tại thời điểm 30/6/2019, nợ phải trả của TTC Sugar là 10.954 tỷ đồng. Đây là tỷ lệ nợ khá cao so với vốn chủ sở hữu 5.856 tỷ đồng. Điều đáng chú ý đối với Công ty, phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn với hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm hơn 82% tổng nợ của Công ty.

Đặc biệt, nổi trội nhất trong các khoản nợ ngắn hạn chính là các khoản vay và nợ thuê tài chính với giá trị lên tới 7.280 tỷ đồng, chiếm 81% tổng nợ vay ngắn hạn. Đây là những khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau, được thế chấp bằng nhiều loại tài sản như quyền sử dụng đất, các khoản phải thu, hàng tồn kho, máy móc thiết bị, cổ phiếu, vùng nguyên liệu...

Một trong những khoản vay lớn mới xuất hiện từ giữa năm 2019 là 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TMCP Hàng hải Chi nhánh TP.HCM. Khoản vay này được cầm cố bằng 50,4 triệu cổ phiếu quỹ của Công ty, phong tỏa tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB.

Mặc dù vậy, cũng có một số khoản vay không có tài sản đảm bảo như gần 60 tỷ đồng tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam, gần 73 tỷ đồng tại Sinopac Chi nhánh TP.HCM, gần 4,6 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển TP.HCM Chi nhánh Bến Tre, 23,3 tỷ đồng tại Ngân hàng Phương Đông Chi nhánh Pleiku, hơn 118 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh.

Trong các khoản vay, có một khoản vay đã quá hạn, hệ quả từ quá khứ để lại phát sinh từ thời điểm trước khi mua công ty con là Công ty TNHH Mía đường Attapeu. Đó là khoản vay 39,7 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, thế chấp bằng Khách sạn Hoàng Anh Attapeu thuộc sở hữu của Công ty Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu, kèm theo một số lượng hàng tồn kho, máy móc thiết bị và 3.441,3 ha vùng mía nguyên liệu.

Tăng mạnh đầu tư cho tài sản dài hạn

Nợ ngắn hạn nói chung và vay tài chính ngắn hạn nói riêng chiếm tỷ trọng lớn là vậy, nhưng TTC Sugar cũng có xu hướng gia tăng đầu tư dài hạn. Trong khi đó, nguồn vốn ngắn hạn nếu bị lạm dụng cho đầu tư dài hạn có thể đẩy doanh nghiệp vào trạng thái bấp bênh về tài chính.

Tổng tài sản của Công ty tại ngày 30/6/2019 là 16.810 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm 8.173 tỷ đồng. Xu hướng đầu tư vào tài sản dài hạn đang gia tăng mạnh, thể hiện ở giá trị tài sản dở dang dài hạn dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh từ 134 tỷ đồng hồi giữa năm 2018 lên gần 673 tỷ đồng vào giữa năm 2019 (tăng gấp 5 lần).

Giải thích về xu hướng gia tăng mạnh về đầu tư cho tài sản dài hạn, đại diện TTC Sugar cho biết, Công ty đang thực hiện đẩy mạnh tập trung đầu tư các đơn vị thành viên tiềm năng, cũng như phục vụ nhu cầu vốn dài hạn theo chiến lược phát triển của Công ty đến năm 2020.

Tuy vậy, TTC Sugar cho biết, doanh nghiệp vẫn có những cơ sở cho sự ổn định tài chính, trong đó có sự “tiếp sức” từ khoản đầu tư gần 649 tỷ đồng từ DEG (một quỹ đầu tư Đức) được giải ngân vào tháng 9/2019. Khoản đầu tư này kỳ vọng tiếp tục góp phần lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng dài hạn, nhằm đảm bảo nguồn lực ổn định cho quá trình phát triển bền vững của SBT. Cụ thể, DEG đã cam kết đầu tư chiến lược 28 triệu USD vào TTC Sugar dưới dạng mua cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi.

Đến ngày 30/6/2019, nợ phải trả đã giảm 6%

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về tình trạng nợ của Công ty, đại diện TTC Sugar cho biết, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2018 - 2019 (kết thúc ngày 30/6/2019), thì nợ phải trả của Công ty đã ghi nhận giảm 642 tỷ đồng, tương đương giảm 6%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm 6% (tương đương 423 tỷ đồng) và nợ vay dài hạn giảm 29% (tương đương 737 tỷ đồng).

TTC Sugar cho biết, với tình trạng nợ tại thời điểm 30/6/2019, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và hệ số nợ vay/tổng tài sản đạt 1,6 lần và 0,5 lần, lần lượt giảm 8% và 7% so với đầu niên độ.

Tin liên quan
Tin khác