Dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở, huyện Núi Thành thực hiện trên sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.X |
Tuyến luồng Cửa Lở thuộc địa phận xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là một nhánh tuyến đường thủy nối sông Trường Giang ra biển.
Trước thực trạng tuyến luồng bị bồi lấp nặng nề, ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu cá ngư dân địa phương và ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của sông Trường Giang đổ ra biển, tại Quyết định số 3931/QĐ-UBND ngày 22/10/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chấp thuận hồ sơ đề xuất Dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở, huyện Núi Thành do Công ty TNHH Đại Dương Xanh làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức xã hội hóa, kết hợp tận thu sản phẩm để bù đắp chi phí, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Dự án này có chiều dài đoạn luồng nạo vét khoảng 3,4 km (từ sông Trường Giang đến cửa biển), chiều rộng nạo vét từ 50 m và mở rộng dần từ sông ra biển. Hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 23/QĐ-BTNMT ngày 6/1/2016.
Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam đã ký kết Hợp đồng số 541/2016/HĐ-NVTT-CL ngày 31/3/2016 với Công ty TNHH Đại Dương Xanh để thực hiện Dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở kết hợp tận thu sản phẩm.
Ngày 15/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3348/QĐ-UBND phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát nhiễm mặn thu hồi từ Dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam kết hợp tận thu sản phẩm cát nhiễm mặn với khối lượng cát nhiễm mặn đăng ký thu hồi (giai đoạn 1) là 1.200.000 m3, số tiền phải nộp là 1.822.500.000 đồng và Công ty TNHH Đại Dương Xanh đã nộp đầy đủ số tiền này vào ngân sách nhà nước (nộp 1 lần).
Sau khi hoàn thành việc đăng ký thu hồi khoáng sản, nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định, Công ty TNHH Đại Dương Xanh tổ chức thi công giai đoạn 1 của dự án theo kế hoạch (thời hạn hoàn thành vào cuối tháng 2/2018).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhân dân địa phương đề nghị xây dựng Kè chống xói lở bờ sông phía Nam khu vực Cửa Lở trước khi triển khai thực hiện Dự án nạo vét để đảm bảo không gây xói lở bờ sông, nhà cửa và đất canh tác của nhân dân, nên Công ty chỉ thực hiện được một phần nhỏ khối lượng đã đăng ký và xin tạm dừng thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Theo Báo cáo số 33/BC-ĐDX ngày 20/3/2018 của Công ty TNHH Đại Dương Xanh, kể từ khi được cấp phép ngày 18/10/2017 đến ngày 26/2/2018, Công ty mới thi công được một phần nhỏ khối lượng nạo vét tuyến luồng Cửa Lở giai đoạn 1 là 845 m3/1.200.000 m3 đã đăng ký và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Từ tháng 3/2018, Dự án tạm dừng thực hiện.
Để giải quyết kiến nghị của nhân dân và tiếp tục thực hiện dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 189/HĐND-VP ngày 30/7/2018, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Kè khẩn cấp chống sạt lở khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải, huyện Núi Thành từ nguồn vốn ngân sách, với quy mô xây dựng tuyến kè cứng bằng bê tông, chiều dài khoảng 900 m, thời gian thực hiện từ 2018 - 2022.
Tuy nhiên, sau đó, theo hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 thì cảng biển Chu Lai được quy hoạch là cảng biển loại I và tuyến luồng Cửa Lở được định hướng quy hoạch nạo vét cho tàu 50.000 tấn ra vào các khu bến thuộc cảng biển Chu Lai.
Do đó, Dự án Kè khẩn cấp chống sạt lở khu vực Cửa Lở nêu trên và dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải, huyện Núi Thành trước đây đã phê duyệt nay không còn phù hợp, phải dừng thực hiện và UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 6684/UBND-KTN ngày 12/10/2022 về việc thống nhất cho phép dừng triển khai dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải, huyện Núi Thành kết hợp tận thu sản phẩm do Công ty TNHH Đại Dương Xanh thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, như vậy, việc không tiếp tục thực hiện thu hồi khoáng sản cát nhiễm mặn của Dự án Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở là thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước, không phải do lỗi của chủ đầu tư Dự án. Việc Công ty TNHH Đại Dương Xanh có văn bản đề nghị hoàn trả lại số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà Công ty đã nộp đối với khối lượng cát nhiễm mặn đã đăng ký giai đoạn I, nhưng chưa khai thác hết (mới khai thác được 845 m3/1.200.000 m3) là hợp lý.
Để giải quyết đề nghị nêu trên của Công ty TNHH Đại Dương Xanh, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam xem xét, thống nhất UBND tỉnh áp dụng quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 10 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và xác định số tiền nộp thừa, làm cơ sở giải quyết việc hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Đại Dương Xanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.