Cụ thể, ông K. được Công ty WeatherFord Việt Nam ký hợp đồng lao động vô thời hạn số 150256, ngày 21/02/2011, theo Bộ luật Lao động Việt Nam, với chức vụ kỹ sư thương mại. Trong quá trình làm việc, nhiều năm ông K. được đánh giá là nhân viên xuất sắc. Gần đây nhất, năm 2014 và 2015, ông K. đã nhận phần thưởng nhân viên xuất sắc của năm, trong đó phần thưởng năm 2015 của ông K. mới nhận vào đầu năm 2016.
“Phần thưởng của Công ty trao nhằm ghi nhận những đóng góp của nhân viên đối với sự phát triển của Công ty”, vị đại diện của ông K. cho biết.
. |
Theo lời ông K., phòng ông làm việc chỉ có 2 người, gồm ông và một người nước ngoài. Đến đầu năm 2016, người nước ngoài này đột ngột qua đời, Công ty điều một người phụ nữ quốc tịch Malaysia về tiếp quản phòng. Sau đó, người phụ nữ này tiếp tục tuyển thêm 3 nhân viên khác người Việt và nước ngoài về làm công việc như ông K. đang làm.
“Ngày 19/10/2016, Công ty WeatherFord Việt Nam có cuộc họp và đưa ra lý do vì kinh tế khó khăn nên cho ông K. nghỉ việc. Tuy nhiên, tôi thấy đó là điều không hợp lý vì phòng kinh doanh mới được tuyển thêm nhân sự, chiến lược Công ty là cố gắng giành lấy lại thị trường năm 2017 nên tuyển nhiều nhân sự vậy thì không thể nói là khó khăn được”, đại diện của ông K nói.
Cũng theo vị đại diện này, ngay sau cuộc họp, lãnh đạo Công ty đưa ra văn bản “Thỏa thuận cùng chấm dứt hợp đồng lao động”. Ngay sau khi đưa văn bản này, dù ông K chưa chấp nhận ký, thì phía Công ty đã tiến hành tịch thu máy tính, điện thoại của ông K. được cấp và yêu cầu ông K. nghỉ việc.
Bất bình trước việc này, vị đại diện của ông K. cho rằng, ông K. đã bị Công ty WeatherFord Việt Nam ép vào đường cùng, vì với tuổi đời của ông K. thì rất khó có thể xin việc nơi khác.
Chiều ngày 20/10, phóng viên Báo Đầu tư mang giấy giới thiệu đề nghị làm việc với lãnh đạo Công ty WeatherFord Việt Nam về việc ông K. phản ánh, nhưng lãnh đạo công ty này cho biết, Công ty không tiếp xúc và trả lời báo chí.
Trao đổi với luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM về vấn đề này, luật sư Phượng cho rằng, Công ty WeatherFord Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động của Việt Nam. Cụ thể, với hành vi buộc người lao động ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty thu hồi máy tính và điện thoại đã cấp cho người lao động, bất chấp việc người lao động chưa đồng ý ký vào thỏa thuận này là vi phạm quyền lao động. Đây là những trang thiết bị lao động cần thiết để người lao động làm việc theo đúng nội dung công việc đã ký trong hợp đồng lao động. Theo hợp đồng lao động, thì công việc của ông K. là kỹ sư bán hàng. Như vậy, khi bị thu hồi các trang thiết bị này, người lao động đã không thể tiếp tục thực hiện quyền làm việc của mình theo quy định tại Điều 5, Bộ luật Lao động, cũng như công việc của mình theo hợp đồng lao động. Hay nói cách khác, Công ty WeatherFord Việt Nam đã tước đi quyền làm việc của người lao động đã được pháp luật bảo vệ.
Bên cạnh đó, Công ty WeatherFord Việt Nam còn vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 6, Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ “Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động”. Công ty đã thu hồi các trang thiết bị làm việc, không có ý định tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động mà chỉ muốn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động của mình.
Cũng theo luật sư Phượng, Công ty WeatherFord Việt Nam vi phạm các quy định về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty đã có hành vi bất nhất giữa lời nói và hành động, khi lấy lý do gặp nhiều khó khăn về kinh tế để sa thải lao động, nhưng lại không thể chứng minh được lý do này, khi lại tuyển thêm 3 người khác vào chính phòng này.
Đại diện của ông K. cho biết, ông K. chỉ mong muốn được tiếp tục làm công việc của mình, bởi ông đã có thâm niên trên 20 năm trong ngành, lại làm tốt và được khen thưởng thì không có lý do gì mà buộc ông phải nghỉ việc một cách vô lý vậy.