Sức khỏe doanh nghiệp
Coteccons ở đâu trên đường đua ngành xây dựng?
Kim Ngân - 14/11/2022 14:34
Trước đây, Coteccons luôn là số 1. Hiện nay, vị trí này có lẽ đang dần thay đổi.

Lợi nhuận thụt lùi

Công ty Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa tiếp tục có một quý kinh doanh đáng buồn.

Biên lợi nhuận gộp của Công ty đã về mức thấp, chỉ 1,1%, nhỏ hơn một số doanh nghiệp khác, như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (7,5%), Ricons (1,9%). So với chính Coteccons, chỉ số này đã giảm sâu vì trung bình 3 năm khoảng 4,4%.

Coteccons lại lỗ 3,5 tỷ đồng trong quý III, nối tiếp con số âm 23,8 tỷ đồng của quý liền trước. "Thành tích" này ghi dấu 4 quý âm lợi nhuận kể từ quý III/2021 đến nay và cũng là giai đoạn thua lỗ đầu tiên trong hành trình mấy chục năm phát triển của doanh nghiệp.

Đơn vị: tỷ đồng

Tình trạng này xuất hiện từ năm 2021, khi Coteccons có Chủ tịch HĐQT mới - ông Bolat Duisenov - thay ông Nguyễn Bá Dương.

Nếu quý III - IV/2021, Coteccons lỗ vì ảnh hưởng từ dịch bệnh thì 2 quý trong năm nay, câu chuyện đã khác. Công ty phải đối mặt với khó khăn giá nhân công, nguyên vật liệu cao và đặc biệt là trích lập dự phòng cho các dự án rủi ro, trong đó có những dự án được trúng thầu dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, đơn cửa như dự án D'Capitale (chủ đầu tư Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh).

Quý II năm nay, Công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 242 tỷ đồng cho. Trong quý III, Công ty tiếp tục đưa 483 tỷ đồng từ Công ty Ngôi Sao Việt vào nhóm nợ xấu. Ngoài ra, nợ xấu khó đòi còn có 122 tỷ đồng Công ty Đầu tư Minh Việt và 540 tỷ đồng từ các khách hàng khác mà không có thuyết minh. Tổng nợ xấu phải thu hơn 1.145 tỷ đồng.

Đó là một phần lý do khiến Coteccons không thể có được kết quả tốt như các doanh nghiệp cùng ngành. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hay Ricons đều có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, lợi nhuận. Hòa Bình có doanh thu tăng 80% lên 3.778 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng. Còn Ricons đạt lợi nhuận sau thuế gấp 6 lần cùng kỳ, lên mức 32 tỷ đồng; doanh thu tăng 84% đạt 3.591 tỷ đồng.

Chiến lược đa ngành, lấn sân bất động sản

Dưới thời ông Bolat Duisenov, Coteccons muốn có nhiều hướng đi mới, chuyển đổi mô hình hoạt động. Doanh nghiệp không muốn kết quả kinh doanh quá lệ thuộc vào mảng xây dựng - lĩnh vực được đánh giá có biên lợi nhuận gộp mỏng (khoảng 4 - 7%) và đối mặt với nhiều sự cạnh tranh, nhất là cạnh tranh giá thầu.

Mới đây nhất, Công ty chính thức công bố lấn sân sang mảng bất động sản với vai trò nhà phát triển dự án tại The Emerald 68, Bình Dương. Coteccons đã góp 524,5 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với chủ đầu tư - Tập đoàn Lê Phong - để phát triển dự án Emerald 68 (vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng). Lợi nhuận hàng năm được phân chia theo tỷ lệ góp vốn tương ứng.

Công ty còn góp 500 tỷ đồng hợp tác với CTCP Quốc Lộc Phát (chủ đầu tư dự án siêu sang The Metropole Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức), lãi suất được hưởng 11%/năm.

Ngoài đầu tư BĐS, Coteccons còn "rải tiền" ở một số khoản đầu tư tài chính, trong đó có chứng khoán. Danh mục Coteccons đầu tư tính đến tháng 9 gồm chứng chỉ quỹ ETF KIM Growth VN30, cổ phiếu TCB, FPT và các cổ phiếu khác (không được thuyết minh). Trong qúy III, công ty lỗ từ đầu tư chứng khoán hơn 2 tỷ đồng và 9 tháng lỗ gần 9 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, Coteccons đang phải trích lập dự phòng 37 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này cho mức vốn 255,5 tỷ đồng.

Gia nhập bất động sản có “đúng thời”?

So với ngành xây dựng và so với tình hình hiện tại của Coteccons, biên lợi nhuận gộp ngành bất động sản thực sự hấp dẫn.

Ngành này có biên lợi nhuận gộp cao, trên 30%, thậm chí nhiều doanh nghiệp đạt được mức 50 – 60%. Điều này có thể là lý do khiến Coteccons lựa chọn gia nhập ngành bất động sản nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.

Trước Coteccons, một số doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng cũng đã đầu tư hoặc có hướng tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ nhiều năm trước đây đã đầu tư vào các dự án bất động sản, dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số dự án công ty đầu tư có mặt tại TP HCM như 1C Tôn Thất Thuyết (quận 4), Ascent Garden Homes (quận 7), Ascent Plaza (quận Bình Thạnh), Ascent Lake Side (quận 7), Long Thới (huyện Nhà Bè), Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình (quận 9)... Ngoài ra, công ty có 2 dự án tại Canada.

Ricons (một doanh nghiệp từng trong hệ sinh thái Coteccons Group) cũng định hướng đầu tư mảng bất động sản, bên cạnh ngành nghề kinh doanh cốt lõi là xây dựng. Tiêu chí Ricons đặt ra là đầu tư có chọn lọc, tìm kiếm các bất động sản có nhiều cơ hội hoặc đầu tư chung với các chủ đầu tư tại các dự án pháp lý rõ ràng; lựa chọn các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, Coteccons lựa chọn gia nhập ngành vào một thời điểm không mấy thuận lợi. Bất động sản hiện tại được đánh giá khó khăn trăm bề với cả người bán và người mua khi bị kiểm soát vốn tín dụng, hạn chế phát hành trái phiếu, chi phí lãi vay ngày một cao. Tình hình năm 2023 cũng được nhiều chuyên gia dự báo không mấy khả quan hơn.

Bản thân ông Bolat cũng thừa nhận, thị trường bất động sản "đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nút thắt pháp lý", "các chính sách kiểm soát tín dụng, trái phiếu ảnh hưởng dòng tiền của chủ đầu tư" nhưng doanh nghiệp vẫn chọn lấn sân sang lĩnh vực này. Ông tin rằng Coteccons có đủ tiềm lực tài chính để sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các chủ đầu tư, trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Con đường của Coteccons trong mảng bất động sản vừa mới chỉ bắt đầu. Trong khi đó, nhìn sang Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, doanh nghiệp này sau nhiều năm đầu tư đang có kế hoạch bán 5 dự án bất động sản trong nước, dự kiến thu về doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận không dưới 700 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác