Đảm bảo thanh khoản, dùng đòn bẩy tài chính an toàn
Công ty khẳng định, với nhu cầu lớn về dòng tiền trong khi thị trường tài chính rất chật vật như tình hình chung trong năm qua, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã: CTD) vẫn hoàn toàn đảm bảo thanh khoản.
Một điểm được chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên của Coteccons là Công ty bị dòng tiền âm. Điều này là tất yếu khi cả năm 2021, nhiều dự án bị đóng băng do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Sang năm 2022, khi thị trường hồi phục, giá trị hợp đồng ký mới và lượng dự án cần triển khai của Coteccons tăng vọt, yêu cầu Công ty phải mở rộng vốn lưu động.
Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính của Coteccons trong phạm vi an toàn, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng.
Tổng nợ vay khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng và phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất cố định 9,5%/năm trả lãi 6 tháng một lần. Công ty không phải chịu áp lực lớn từ chi phí lãi vay trong môi trường lãi suất tăng cao như đã và đang có.
Đặc biệt, Coteccons đang tiếp tục nâng cao hiệu quả trong quản trị dòng tiền. Vòng quay tiền mặt giảm xuống còn 59 ngày so với 66 ngày của năm trước. Số ngày phải thu được cải thiện còn 245 ngày so với 300 ngày như trước đây. Biên lợi nhuận gộp tăng lên 3,35% so với 3,0% của năm ngoái trong xu hướng suy giảm chung của toàn ngành.
Liên quan đến trái phiếu, Coteccons chỉ có duy nhất một khoản nợ trái phiếu 500 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 1/2025. Lãnh đạo Coteccons khẳng định, mặc dù không có bất kỳ sai phạm nào trong quá trình phát hành, nhưng trước tâm trạng lo ngại của một số cổ đông do ảnh hưởng từ các vấn đề liên quan đến trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khác, Coteccons sẵn sàng mua lại theo đúng cam kết. Việc mua lại trái phiếu cũng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Công ty.
Hồi đầu năm nay, Coteccons cũng phê duyệt phương án mua lại lô trái phiếu CTD122015 trước hạn theo yêu cầu của trái chủ, với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, số lượng 500 trái phiếu.
Các cổ đông của Coteccons tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. |
Trước đây, Coteccons không trích lập dự phòng. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, với chính sách minh bạch, tất cả khoản tài chính có tính rủi ro đều được các bộ phận kiểm toán đánh giá để đưa vào trích lập dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cho Công ty. Việc thu hồi công nợ tiếp tục được thúc đẩy và khoản trích lập dự phòng sẽ được hoàn nhập khi thu hồi công nợ hoàn tất. Điều này cũng có nghĩa là lợi nhuận về sau của Công ty có thể tăng đột biến.
Ông Zhan Zatayev, Giám đốc quản lý rủi ro (CRO) của Coteccons Construction cho biết, giai đoạn 2020 - 2022, Công ty tăng trích lập dự phòng cho 16 dự án vận hành theo mô hình kiểu cũ, được xây dựng từ giai đoạn 2017 - 2019. Trong giai đoạn này, ban quản trị thời đó đã không trích lập dự phòng cho 16 dự án này dù một số dự án đã phát sinh vấn đề trong công nợ phải thu.
Coteccons đã thành lập hội đồng thu nợ, năm qua cũng đã triển khai ban quản trị nợ rủi ro. Theo đó, việc kiểm soát các khoản nợ xấu được thực hiện theo định kỳ và thường xuyên, dựa vào sức khoẻ tài chính của chủ đầu tư và tình hình thị trường để quyết định khoản nợ này có phải là nợ xấu hay không.
Sau đó, Công ty đánh giá nội bộ dựa trên nguyên tắc thận trọng và minh bạch để quyết định việc trích lập dự phòng. Với chính sách trích lập dự phòng như trên, chiến lược tài chính và quản lý rủi ro liên quan đến tài chính của Coteccons đã được cải thiện rõ rệt.
Công ty từng bước tháo gỡ các tồn đọng từ ngày trước thông qua chất lượng các khoản thu trong bối cảnh bất lợi do ngành BĐS gặp khủng hoảng nghiêm trọng, đồng thời, giúp hạn chế rủi ro phát sinh nợ xấu và nguy cơ bị chiếm dụng vốn.
Theo lãnh đạo Coteccons, kết quả này đến từ việc thu hồi nợ và khách hàng mới thanh toán, thậm chí có nhiều khách hàng thanh toán trước.
Giám đốc quản lý rủi ro khẳng định, hiện Coteccons rất nghiêm ngặt với tiến độ thanh toán và khách hàng. Cũng hiểu điều này nên họ cố gắng thanh toán đúng hạn.
Nới room lên 100%, đón vốn ngoại
Coteccons cũng vừa lấy lại vị thế nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam về doanh thu từ tay Hòa Bình sau một năm mất ngôi.
Đáng chú ý, Coteccons kêu gọi vốn đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons. Với Coteccons, Công ty cũng dự kiến thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Đây được xem là bước đi mới trong chiến lược vừa giữ mảng chủ lực là xây dựng dân dụng, vừa mở rộng sang các mảng khác (như hạ tầng, năng lượng sạch, M&A) nhằm đạt doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD năm 2025.
Theo Coteccons, điều này đến từ “sức ép” chỉ còn 2 năm để thực hiện mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD (đến năm 2025) được ban lãnh đạo mới CTD tuyên bố tại ĐHĐCĐ đầu tiên đã đổi chủ. Do đó, Coteccons nhấn mạnh một chiến lược để mở rộng quy mô doanh thu là rất cần thiết.
Theo ông Zhan Zatayev, Việt Nam đang cố gắng mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được điều đó nếu mọi chuyện trở nên minh bạch hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi cũng muốn minh bạch như thế để chứng tỏ chúng tôi sẽ được đầu tư nhờ bằng thực lực của chính mình. Chúng tôi muốn nhà đầu tư nước trong và ngoài nước đều có thể mua được cổ phiếu CTD. Chúng tôi muốn bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài và để thị trường quyết định. Nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng chúng tôi, nếu họ có nhiều lý do hơn để đầu tư vào chúng tôi thì tại sao lại hạn chế sự lựa chọn của họ”, ông Zhan Zatayev lý giải về đề xuất nới room.
Ông cũng khẳng định, không phải vì Công ty muốn trở thành một công ty nước ngoài. Bởi Coteccons đăng ký tại Việt Nam, 99% nhân viên là công dân Việt Nam, đóng thuế tại Việt Nam, vì vậy Coteccons cam kết là một công ty Việt Nam.
Tuy nhiên, có những lúc nhà đầu tư trong nước thiếu vốn, thiếu niềm tin vào các công ty Việt Nam. Trong khi đó, một số nhà đầu tư nước ngoài có thể có lợi thế tài chính và am hiểu doanh nghiệp hơn thì họ có thể bơm tiền vào Coteccons hay bất kỳ công ty nào khác. Vì vậy, hãy để các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh với các nhà đầu tư trong nước.