Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng/giảm CPI 6 tháng đầu năm như sau.
Xét theo thời gian, CPI tháng 6 là tháng thứ tư liên tiếp tăng, nhưng do 2 tháng đầu năm giảm và 4 tháng sau đó tăng thấp, nên sau 6 tháng, CPI mới tăng 0,55%, thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay, thấp xa so với CPI bình quân cùng kỳ của 13 năm trước đây (5,56%) và so với CPI cùng kỳ 2014 (1,38%).
Xét theo nhóm, trong 13 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, sau 6 tháng, có 3 nhóm giá giảm và 10 nhóm giá tăng.
Từ diễn biến của 6 tháng và lường định các yếu tố tác động đến CPI trong những tháng còn lại, có thể dự đoán CPI cả năm 2015 chỉ tăng khoảng 1,8%. Nếu dự đoán đó là đúng, thì CPI năm nay có 3 điểm nhấn.
Một là, thấp hơn tốc độ tăng của năm trước và thấp xa so với CPI bình quân các năm từ 2002 đến nay (8,71%).
Hai là, thấp hơn nhiều so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (5%).
Ba là, năm thứ hai liên tiếp, CPI của Việt Nam thấp hơn nhiều nền kinh tế phát triển.
Với 3 điểm nhấn này, nhiều chuyên gia đã coi đây là sự “lạ lùng” của giá cả khi tăng trưởng kinh tế cao lên, khi tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ giá) tăng cao lên, khi đã 2 lần tăng tỷ giá VND/USD trong 5 tháng, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, khi tốc độ tăng số dư tiền gửi chậm lại, làm cho các ngân hàng thương mại mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi, mặc dù lãi suất vẫn đạt được thực dương (cao hơn so với tốc độ tăng CPI) trong thời gian tương đối dài…
Dự đoán CPI cả năm tăng thấp trên cơ sở lường đoán của nhiều yếu tố tác động, trong đó có một số yếu tố chủ yếu. Quan hệ cung - cầu là quan hệ cân đối tổng quát, là yếu tố chủ yếu tác động đến CPI. Quan hệ này tuy có sự chuyển dịch theo hướng tốc độ tăng của tổng cầu từ cuối 2014 đến nay cao hơn tốc độ tăng của tổng cung, nhưng vẫn ở trạng thái “cầu yếu hơn cung”. Tổng cung bao gồm sản xuất thì tăng (ước 6 tháng tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm qua). Đã vậy, xuất khẩu nông, lâm - thủy sản giảm sâu, trong khi nhiều loại được mùa; nhập siêu trở lại bổ sung nguồn cung với quy mô lớn - tính từ đầu năm đến ngày 15/6 năm nay đã nhập siêu 3,66 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,75 tỷ USD). Tổng cầu bao gồm tích lũy - đầu tư và tiêu dùng cuối cùng. Tỷ lệ đầu tư vẫn chỉ ở mức trên dưới 30% GDP, thấp chỉ bằng 2/3 tỷ lệ bình quân của thời kỳ 2006 - 2010. Tốc độ tăng tiêu dùng đã cao lên, nhưng cũng chỉ bằng trên 2/3 tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2001 - 2010 khi cầu còn yếu hơn cung, thì CPI sẽ tăng thấp là tất yếu.
Yếu tố quan trọng là chi phí đẩy tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm. Mặc dù tỷ giá VND/USD đã 2 lần tăng, nhưng diễn biến thực tế trong 6 tháng của giá USD vẫn chỉ bằng 2/3 mức định hướng cho cả năm, trong khi giá nhập khẩu tính bằng USD vẫn tăng thấp hơn, nên giá hàng nhập khẩu tính bằng VND nhìn tổng quát vẫn tăng thấp hơn nữa, thậm chí có loại còn giảm, nhất là giá xăng dầu, giá một số loại nguyên phụ liệu. Một số loại hàng hóa, dịch vụ (như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, nước…) đã mấy lần được, hoặc sẽ tăng theo lộ trình giá thị trường, nhưng nhóm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước vẫn còn giảm, còn các nhóm khác như y tế, giáo dục so với cuối năm trước tăng không cao. Yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là tiền tệ - tín dụng.
Lãi suất vay ngân hàng tuy chưa giảm theo lạm phát, nhưng mức hiện tại chỉ tương đương với mức cách đây 7 - 8 năm. Tốc độ tăng tín dụng khác với vài năm trước đã tăng ngay từ đầu năm, nhưng vẫn còn thấp xa so với trước kia và có thể có một phần đã được đưa vào thị trường bất động sản để đón đầu cơ hội phục hồi. Lãi suất tiết kiệm thấp, làm cho tốc độ tăng tiền gửi chậm lại so với trước đây, nhưng mới đây đã được các ngân hàng thương mại tăng thêm 0,2 - 0,3%/năm sẽ có sức hút đối với một số khoản tiền nhàn rỗi, một số đối tượng không biết đầu tư vào đâu.