Cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI bình quân 8 tháng năm nay của Thủ đô tăng 3,39% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, có 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,86% (tác động làm tăng CPI chung 0,19%). Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết miền Bắc nắng nóng kéo dài, sản lượng tiêu thụ điện, nước tăng cao làm giá điện tăng 3,47%; giá nước tăng 5,84%; giá dầu hỏa tăng 1,96%; giá gas tăng 0,63%.
Tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,19% (trong đó lương thực tăng 0,58%; thực phẩm tăng 0,21%) do dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 8 nên tâm lý người dân mua tích trữ thêm lương thực và thực phẩm; đồng thời giá rau, giá thịt lợn, thịt bò, hải sản chưa có xu hướng giảm.
Nhóm giao thông tăng 0,17% so với tháng trước (tác động làm tăng CPI chung 0,02%), mặc dù trong tháng giá xăng, dầu điều chỉnh giảm nhẹ nhưng tính bình quân giá xăng, dầu vẫn tăng 0,42% so với tháng trước.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm giáo dục tăng 0,02%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ ở mức tháng trước. 3/11 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước là: Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04%; bưu chính, viễn thông giảm 0,07%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,16%.
Chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 8,9% so với tháng trước, tăng 33,18% so với cùng kỳ năm trước và tăng 30,66% so với tháng 12/2019. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá vàng tăng 25,61% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,13% so với tháng 12/2019. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá USD tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước.Trong khi đó, theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, chỉ số sản
xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất chế biến thực phẩm đạt mức tăng trưởng khá hơn so với tháng trước.
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9% và tăng 6,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,1% và tăng 6,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1,5% và tăng 6,1%; ngành khai khoáng tăng 15,1% và giảm 1,2%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất tháng 8 tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất thuốc lá tăng 15,7% và tăng 12,3%; chế biến gỗ tăng 4,3% và tăng 13,1%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,7% và tăng 24%; hóa chất tăng 4,3% và tăng 18,6%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,6% và tăng 20,5%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,2% và tăng 12,8%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 14,2% và tăng 10,5%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 9% và tăng 14,4%...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số ngành sản xuất tháng 8 vẫn giảm so với cùng kỳ, như lĩnh vực sản xuất đồ uống giảm 4,8%; dệt giảm 1,4%; trang phục giảm 3%; da và sản phẩm từ da giảm 17,6%; thiết bị điện giảm 2,9%; xe có động cơ giảm 8,8%; phương tiện vận tải giảm 7,9%. Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn 96,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,6%; công nghiệp khai khoáng giảm 8,5%, nhưng do chiếm tỷ trọng nhỏ nên không tác động nhiều đến tăng trưởng chung toàn ngành.
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước và trên thế giới giảm nên một số ngành giảm sút so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp dệt giảm 3,3%; sản xuất trang phục giảm 3,9%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 5,9%; sản xuất đồ uống giảm 16,5%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 12,2%.