Ngành du lịch Thủ đô đang đứng trước cơ hội phát triển mới. Trong ảnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội |
Kỳ vọng về động lực mới
Với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để khai thác trúng và đúng tiềm năng du lịch của Thành phố, cần có những chính sách, hành lang pháp lý phù hợp và hiệu quả.
Ông Lê Bá Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, là bước tiến rất lớn so với Luật Thủ đô năm 2012. Luật đã cơ bản bám sát tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển.
“Đối với ngành văn hóa, thể thao, du lịch, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành riêng Điều 21 về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Không chỉ Điều 21, trong các điều 39, 41, 43 cũng nêu rõ những ưu đãi trong các lĩnh vực này”, ông Dũng chia sẻ.
Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa quý báu, từ các di tích lịch sử đến các lễ hội truyền thống. Chính vì thế, Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển du lịch, trong đó nêu rõ những khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Cụ thể, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đặc biệt, TP. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Khoản b, Điều 7, Luật Thủ đô quy định, khu phát triển thương mại và văn hóa được quyết định các khoản thu để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành… Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động. Nhờ đó, ngành du lịch Hà Nội có thể phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
“Cơ hội vàng” định vị thương hiệu du lịch Thủ đô
Với những chính sách, quy định mới, Hà Nội sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án đầu tư vào hạ tầng, khách sạn, nhà hàng và các khu vui chơi giải trí được khuyến khích, hỗ trợ. Đơn cử, tới đây Hà Nội sẽ triển khai Dự án cải tạo khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) thành tuyến phố văn minh thương mại với các khu vực ẩm thực, sân khấu biểu diễn, giới thiệu sản phẩm OCOP... nhằm phát triển kinh tế đêm.
Dự án này không chỉ tạo ra một điểm đến mới lạ, hấp dẫn cho người dân và du khách, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khu vực ẩm thực đa dạng sẽ giới thiệu những món ăn đặc sản của Hà Nội cũng như ẩm thực quốc tế, mang đến trải nghiệm phong phú cho thực khách.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế. Các chiến dịch truyền thông số và việc tham gia các hội chợ du lịch toàn cầu sẽ giúp du khách quốc tế biết đến và lựa chọn Hà Nội là điểm đến.
Trải qua hàng ngàn năm xây dựng và phát triển, Hà Nội có nhiều di sản văn hóa quý báu cần được bảo tồn và phát huy. Luật Thủ đô (sửa đổi) khuyến khích tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của Hà Nội.
Dù vậy, vẫn còn không ít thách thức trong quá trình phát triển ngành kinh tế xanh của Thủ đô.
Thứ nhất, để các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch.
Ông Lê Bá Dũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Du lịch Hà Nội cần tăng cường công tác tham mưu để UBND Thành phố đưa ra những chính sách, văn bản pháp lý vừa đúng, vừa trúng nhu cầu mong muốn của ngành du lịch nói chung, doanh nghiệp nói riêng trong việc phục hồi thu hút khách thông qua việc đầu tư khai thác những tour, tuyến mới.
Thứ hai, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, cần đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp du lịch phải phối hợp với các cơ sở đào tạo, trường học để tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn và kỹ năng giao tiếp cho nhân viên.
Thứ ba, sự phát triển của ngành du lịch phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và duy trì tính bền vững. Các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý rác thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả cần được chú trọng và thực hiện nghiêm túc.
Thứ tư, ngành du lịch luôn đối mặt với những biến động không lường trước từ thị trường như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế. Do đó, cần có các biện pháp dự phòng và kế hoạch ứng phó linh hoạt để đảm bảo sự phát triển bền vững.