Nói về bệnh cúm mùa, nhiều người chủ quan cho rằng, căn bệnh này nhẹ và không có ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, một căn bệnh mà chúng ta nghĩ đơn giản như vậy đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người do các biến chứng của nó.
Cúm có khả năng lây nhiễm khủng khiếp, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch. Trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người như dịch cúm Tây Ban Nha (1918), đại dịch cúm A/H1N1 (2009).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm, trong đó có khoảng 500.000 người tử vong bởi các vấn đề sức khỏe liên quan đến cúm.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1,8 triệu người nhiễm cúm. BS. Nguyễn Tuấn Hải (Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec) cho biết, một căn bệnh tưởng chừng đơn giản, nhưng để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân và xã hội, khi mà cứ đến mùa, nhiều người phải nghỉ ở nhà chăm con ốm vì mắc cúm, nhiều công sở hoặc nhà máy thiếu nhân lực do cán bộ, nhân viên mắc cúm mùa.
Các cơ sở y tế đôi khi bị quá tải khi số bệnh nhân cần chăm sóc đột ngột tăng cao. Kỷ lục là năm 2016, cả nước có tới gần 300.000 trường hợp phải nhập viện do mắc cúm.
Theo các chuyên gia, bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm, bệnh dễ gặp nhất là ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như trẻ sơ sinh. Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa. Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, thận, nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc-xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Người lớn trên 65 tuổi, những người có bệnh nền mãn tính như tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch... cũng là những đối tượng dễ mắc các biến chứng nặng khi bị cúm.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng tránh bệnh cúm. Chúng ta đều biết khi có người mắc cúm thì cần cách ly, làm sạch môi trường, khẩu trang. Tuy nhiên, đó chưa phải là các biện pháp triệt để. Phòng bệnh bằng vắc-xin mới là biện pháp hữu hiệu, an toàn nhất. Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada chỉ ra, tiêm phòng vắc-xin cúm có thể giảm tới 50% nguy cơ đột quỵ, đau tim và tử vong do các bệnh lý liên quan tới tim mạch.
Tại Việt Nam, vắc-xin cúm mùa được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt, ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa.
Theo WHO, tất cả các loại vắc-xin cúm đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc và tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm và virus cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó cần được tiêm vắc-xin cúm nhắc lại hàng năm.
Tiêm vắc-xin không những tránh được bệnh cúm, mà còn giúp tránh các bệnh khác, giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Có điều, trong khi rất chú trọng tiêm cho trẻ con, thì nhiều người lớn lại chủ quan với việc tiêm vắc-xin cho chính mình.