Điểm nóng
Cuộc “đại di dời” dân ven kênh rạch TP.HCM vỡ trận, vì đâu? - Bài 4: Chưa biết di dời 13.500 căn nhà vào “nhiệm kỳ” nào
Ngô Nguyên - 18/08/2022 08:35
TP.HCM đặt mục tiêu đến 2020, cơ bản hoàn tất di dời toàn bộ hơn 21.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, nhưng mục tiêu tới năm 2020 đã bị “vỡ trận”, phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Năm lần, bảy lượt lên kế hoạch, đưa vào nghị quyết và hô “quyết tâm”, nhưng cuộc “đại di dời” hơn 21.000 hộ dân của hơn 21.000 căn nhà ven kênh rạch của TP.HCM chỉ mới đạt 12,4%. Đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách. Quá nhiều vướng víu về vốn cùng hành lang pháp lý, hành chính đã dẫn tới tình cảnh trên.

 Còn 13.500 căn nhà ven, trên kênh rạch cần di dời nhưng chưa biết vào “nhiệm kỳ” nào Ảnh: Lê Toàn

Bài 4: Chưa biết di dời 13.500 căn nhà vào “nhiệm kỳ” nào

UBND TP.HCM than rằng, ngân sách có thể bố trí cho 32/59 dự án, nhưng chỉ đủ để khảo sát, đo vẽ. Nhà đầu tư chỉ có thể khai thác, đầu tư kinh doanh trên phần diện tích đất đã được bồi thường, trong khi quỹ đất thương mại khai thác tại kênh rạch rất hạn chế. Tất cả khiến “đại dự án” di dời dân, cải tạo kênh rạch gặp khó.

Mịt mù số phận 13.500/20.000 căn nhà

“Đại dự án” rạch Văn Thánh (gần 850 căn nhà), Xuyên Tâm (gần 2.000 căn), kênh Hy Vọng (gần 200 căn), kênh Đôi 2 bờ Nam - Bắc (hơn 6.000 căn nhà) mà Báo Đầu tư phản ánh ở các kỳ trước chỉ là con số nhỏ. Theo một báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng mới đây, UBND TP.HCM cho hay, Thành phố có tổng cộng khoảng 21.000 căn nhà ven, trên kênh rạch cần phải di dời, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)…

Với hơn 2.900 tuyến sông, kênh, rạch, TP.HCM có lợi thế phát triển không chỉ kinh tế, mà cả văn hóa, xã hội mang đậm nét sông nước Nam bộ. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, việc lấn chiếm, hình thành các khu dân cư tự phát với hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp đã khiến nhiều dòng kênh biến mất hoặc bị thu hẹp, giảm lưu lượng dòng chảy, ô nhiễm môi trường, gây ngập lụt.

Đặt mục tiêu vừa cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị, vừa đảm bảo cuộc sống của người dân, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2020 đưa nhiệm vụ chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá của Thành phố. Trên cơ sở đó, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTrHĐ/TU ngày 27/10/2016 về chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020.

Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch là một trong 4 nội dung chính của Chương trình. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất di dời toàn bộ hơn 21.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh.

Thế nhưng, tới thời điểm này, UBND TP.HCM thừa nhận, Thành phố chỉ mới bồi thường và di dời được 2.479/21.000 căn nhà, chỉ đạt 12,4% so với chi tiêu. Tức là, mục tiêu tới năm 2020 đã bị “vỡ trận”, phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Nhưng ở giai đoạn 2021-2025, UBND TP.HCM cũng chỉ đặt chi tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách với dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỷ đồng. Số còn lại tới hơn 13.500 căn nhà cần di dời… chưa biết thực hiện được vào “nhiệm kỳ” nào.

Khóc - cười số phận 59 dự án dùng vốn công

Nguyên nhân dẫn tới tình cảnh bi đát của “đại dự án” di dời dân, cải tạo kênh rạch, theo UBND TP.HCM, là phần lớn các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ không thực hiện mở rộng biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư, nên phải thực hiện bằng vốn ngân sách. Nhưng nhóm dự án dùng vốn ngân sách này có tới 59 dự án, di dời gần 15.000 căn nhà, với tổng vốn 26.919 tỷ đồng, chiếm tới 62% cơ cấu nguồn vốn đầu tư di dời khoảng 21.000 căn nhà (26.919 tỷ đồng/43.200 tỷ đồng).

Tiếng là vốn ngân sách, nhưng sự thật phũ phàng là ngân sách Thành phố đang cùng lúc phải cân đối cho hàng loạt chương trình đột phá khác (giảm tai nạn giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường…)  có giá trị giải ngân cao, có tính cấp bách và theo thứ tự ưu tiên. Trong khi đó, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới lại hạn chế.

Tất cả dẫn tới tình trạng, trong số 59 dự án, TP.HCM chỉ có thể bố trí vốn đầu tư công cho 32 dự án, nhưng đa số vốn chuẩn bị đầu tư lại chỉ để khảo sát, đo vẽ, lập hồ sơ. Còn phần vốn lớn nhất cho công việc quan trọng nhất là bồi thường, di dời, xây dựng công trình thì… không có nguồn để bố trí.

Không chỉ “đói vốn”, theo UBND TP.HCM, các dự án vốn công còn gặp khốn khổ vì trình tự thực hiện các thủ tục rất phức tạp, kéo dài, với quá nhiều công đoạn. Đơn cử, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo Luật Đầu tư công, rất tốn thời gian để xác định quy mô dự án, lập và trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư công, ghi vốn chuẩn bị đầu tư... Giai đoan chuẩn bị bồi thường theo Luật Đất đai cũng “lê thê” khâu lập, thẩm định và trình phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất; lập, thẩm định và trình phê duyệt dự án bồi thường, tái định cư....

Tất cả khiến đa số các dự án dùng vốn công (42/59 dự án) của TP.HCM chỉ mới dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư. Chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để triển khai thực hiện công tác tiếp theo.

Vì sao nhà đầu tư quan tâm rồi “ngó lơ”?  

Thực tế, đã có nhiều dự án được nhà đầu tư quan tâm, thậm chí xin đầu tư. Điển hình, Dự án di dời hơn 5.000 căn nhà để cải tạo bờ Nam kênh Đôi của quận 8, ở thời điểm năm 2017, có tới 5 nhà đầu tư xin “bỏ tiền túi” theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, qua 5 năm thực hiện di dời nhà ven và trên kênh, rạch (giai đoạn 2016-2020) để chỉnh trang đô thị, đến nay, mới có 2.479/21.000 căn được bồi thường và di dời, chiếm 12,4% chỉ tiêu. Những căn nhà này chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách, nhưng đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.

Riêng Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đã nghiên cứu Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm 6 năm và tại Hội nghị kêu gọi đầu tư năm 2018 của UBND TP.HCM, đã tuyên bố, nếu khởi công năm 2018, thì đến năm 2023 có thể hoàn thành, với tổng đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng, không dùng vốn ngân sách, mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã chấp thuận cho vay 70% vốn để thực hiện.

Đến mức có lúc, cơ quan chức năng còn toan tính tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Thế mà sau đó, không nhà đầu tư nào “ngó ngàng”, dẫn tới “vỡ” mục tiêu di dời khoảng 21.000 căn nhà tới năm 2020 của UBND TP.HCM.

Nguyên nhân chính yếu, theo UBND TP.HCM, là Luật Đầu tư PPP số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 và Nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật Đầu tư PPP đã không còn quy định về hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), nhóm dự án công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.

Điều đó dẫn tới việc di dời nhà và trên kênh rạch không thực hiện theo phương thức BT như giai đoạn trước đây. Nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ không được thanh toán bằng đất khác, mà chỉ có thể khai thác, đầu tư kinh doanh trên chính phần diện tích đất đã được bồi thường. Oái oăm, quỹ đất khai thác tại chỗ là ven kênh rạch lại rất hạn chế, nên càng khó khăn hơn trong việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Thế nên, dù lên kế hoạch giai đoạn 2021-2025 UBND TP.HCM bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, nhưng khó ai tin, TP.HCM sẽ thực hiện được, bởi vốn công đã bố trí chỉ đủ… khảo sát, đo vẽ, trong khi không doanh nghiệp nào mặn mà.

Đó là chưa nói còn tới hơn 13.500/21.000 căn nhà cần di dời bằng cả vốn công và tư, dù TP.HCM phấn đấu đến khi kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước vào năm 2025, sẽ hoàn thành và khởi công 50% trong tổng số khoảng 21.000 căn nhà ven và trên kênh rạch.

Kiến nghị của UBND TP.HCM vừa gửi Văn phòng Chính phủ

Tình hình chung hiện nay, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập đã được UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, nhưng do các dự án có cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu, Thành phố lại đang hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, khả năng cân đối ngân sách của Thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025 tương đối hạn chế so với tổng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng, công ích trọng điểm khác.

Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguôn vốn dự kiến tăng thêm, để Thành phố tiếp tục triên khai các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, vừa chống ngập và xử lý nước thải của Thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác