Thời sự
Cuộc đua đường dài giữa các chuỗi kinh doanh đồ uống
Thu Phương - 24/06/2020 15:05
Thị trường chuỗi đồ uống đang diễn ra “đại chiến”. Bên cạnh những chuỗi ngậm ngùi thu hẹp hoặc đóng cửa, thì “ông lớn” Vinamilk với thương hiệu mới toanh Hi-café đang đẩy mạnh mở rộng.
Highlands Coffee và The Coffee House cạnh tranh trực diện tại khu đô thị Định Công (Hà Nội).

Ông lớn chào sân

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố tờ trình bổ sung 9 ngành nghề kinh doanh, trong đó có dịch vụ phục vụ đồ uống liên quan đến thương hiệu Hi-café. Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, Công ty đang triển khai dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm với thương hiệu "Hi-café". Một cửa hàng đã được mở từ năm 2019 tại quận 7, TP.HCM.

“Trong thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống này, Công ty triển khai kinh doanh thông qua hợp tác với một đối tác có đủ năng lực và ngành nghề phù hợp. Trong năm 2020 và các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh", đại diện Vinamilk cho biết.

Giới phân tích trong ngành đánh giá, sự tham gia của Vinamilk với chuỗi Hi-café sẽ làm thị trường F&B (Food and Beverage Service - thực phẩm và dịch vụ ăn uống) trở lên nóng bỏng hơn.

Trước Hi-café, thương hiệu cà phê Ông Bầu cũng đã ra mắt và gây sốt thị trường. Chuỗi Ông Bầu được xây dựng bởi 3 doanh nhân lớn, yêu thích và gắn liền với bóng đá Việt Nam gồm ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Nutifood.

Quán cà phê đầu tiên được thử nghiệm thành công vào tháng 2/2020 tại số 331 - Hoàng Diệu (quận 4, TP.HCM). Tính đến thời điểm này, chuỗi cà phê Ông Bầu đã có khoảng 40 điểm bán đi vào hoạt động tại 10 tỉnh, thành phố, bao gồm TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Huế, Quảng Ngãi, Hà Nội… Dự kiến đến cuối năm, sẽ có gần 1.000 điểm bán trên toàn quốc.

Ông Tô Hoài Nam, Trưởng phòng Tiếp thị ngành hàng của NutiFood cho biết, với mức giá dao động từ 16.000 - 36.000 đồng/ly, Ông Bầu đang gia nhập vào phân khúc bình dân và sẽ nhân rộng nhanh chóng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm. Trong đó, 5 chuỗi cà phê lớn nhất chiếm 15,3% thị phần, gồm HighLands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long, Trung Nguyên. Các thương hiệu cà phê chuỗi (gồm cả nhượng quyền) có số lượng chi nhánh lớn nhất Việt Nam là Milano (hơn 1.400 cửa  hàng), HighLands Coffee (240), The Coffee House (140); Starbucks (45).

Nhưng tiền và kinh nghiệm vẫn chưa chắc bảo đảm cho sự sống sót trong thị trường chuỗi đồ uống ở Việt Nam. Điển hình như thương hiệu Gloria Jeans của Australia, dù đã sở hữu 760 cửa hàng ở 65 quốc gia trên thế giới, nhưng đã phải âm thầm rời khỏi Việt Nam vào năm 2017, sau gần một thập kỷ lăn lộn tìm kiếm chỗ đứng chân.

Hay gần đây nhất là chuỗi đồ uống Soya Garden, từng đặt ra mục tiêu đạt mốc 100 cửa hàng trong năm 2019, tiếp theo là kế hoạch cho 500 cửa hàng vào năm 2021, đồng thời đặt chân đến những thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... cũng tuyên bố đóng hàng loạt cửa hàng.

Ông Hoàng Anh Tuấn, nhà sáng lập Soya Garden chia sẻ, giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. “Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường, cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác. Do vậy, doanh nghiệp đóng bớt mô hình chưa phù hợp, chuyển sang hướng kinh doanh mới hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói.

Chạy đua không nghỉ

Cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh thu giảm mạnh đến 80-90%, nhưng chuỗi The Coffee House, chuỗi đồ uống lớn thứ 2 trên thị trường không phải đóng cửa, mà vẫn tiếp tục cuộc đua mở rộng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Minh Phú, Giám đốc kinh doanh The Coffee House cho biết, Công ty vẫn thực hiện kế hoạch mở rộng chuỗi, dự kiến từ nay đến cuối năm mở thêm khoảng 40 cửa hàng. Con số này đã giảm nhiều so với mục tiêu đặt ra năm 2020 là 100 cửa hàng.

Chia sẻ lý do dù ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng, ông Phú cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ cà phê trên đầu người của người Việt Nam thuộc top rất cao, nhưng trên thị trường F&B, tỷ lệ giữa quán cà phê trên bình quân dân số của Việt Nam vẫn đang là một trong những nước thấp nhất trong khu vực. Do đó, chúng tôi thấy thị trường còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng”.

Thành lập vào tháng 8/2014, chuỗi cà phê The Coffee House chính thức ra mắt và liên tiếp gây ấn tượng với tốc độ phát triển nhanh chóng. Từ cửa hàng đầu tiên ở số 86-88 Cao Thắng (TP.HCM), sau 6 năm, The Coffee House đã mở gần 200 cửa hàng trên khắp cả nước, hiện là chuỗi đồ uống lớn thứ 2 trên thị trường. Theo ông Phú, The Coffee House còn cần cố gắng nhiều để bắt kịp vị trí số 1, không chỉ đơn thuần là chạy đua mở cửa hàng.

Tương tự, Highlands Coffee từ khi “sang tay” Jollibee, chuỗi đã đẩy mạnh mở rộng, từ 50 cửa hàng, hiện tại họ đã có hơn 300 cửa hàng trên khắp nước. Trong thời điểm Covid-19, Highlands Coffee vẫn liên tục mở cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long Xuyên…

Không chọn cách đi nhanh như The Coffee House, Highlands Coffee, Starbucks tham gia vào cuộc đua ở thị trường F&B Việt Nam với chiến lược “chậm mà chắc”. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013, song tới thời điểm này, Starbucks mới chỉ có 64 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Bà Patricia Marques, Giám đốc điều hành Starbucks Việt Nam cho biết, Starbucks không như các nhãn hàng khác là chạy đua nhanh chóng mở cửa hàng khắp nơi. Startbuck đi theo con đường phát triển bền vững, tầm nhìn thường là 10 đến 20 năm.

Cũng theo bà Patricia Marques, Starbucks kiên định với kế hoạch mở thêm cửa hàng trong năm nay, tuy nhiên số lượng và tiến độ sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế dịch bệnh và độ hồi phục của nền kinh tế.

“Khi chúng tôi mở rộng kinh doanh phải phù hợp với hoàn cảnh. Trong năm 2020, Starbucks đã có kế hoạch mở khá nhiều cửa hàng, nhưng với tình trạng Covid-19, không ai dám chắc là mình có thể làm hết hoặc 50% kế hoạch đã đề ra. Theo kế hoạch trước Covid-19, Starbucks đã có 2 cửa hàng tại Nha Trang. Tất nhiên, kế hoạch đã bị thay đổi, vì ngoài chuyện bị trở ngại bởi giãn cách xã hội, tiềm năng khách du lịch đến Nha Trang không nhiều như trước. Chắc chắn, nếu mở tại Nha Trang thời điểm này, cơ hội kinh doanh sẽ không như trước kia. Nhưng chắc chắn vào cuối năm, chúng tôi sẽ mở thêm cửa hàng”, Giám đốc điều hành Starbucks Việt Nam nhấn mạnh.

Trong cuộc đua giành thị phần chuỗi F&B cũng phải nhắc đến Trung Nguyên. Dù đã đánh mất thời cơ phát triển chuỗi Trung Nguyên Legend khi phải theo vụ kiện ly hôn dai dẳng giữa vợ chồng ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng đại gia này đã nhanh chóng ra mắt thương hiệu chuỗi cà phê mới E-Coffee.

Chính thức ra mắt đầu tháng 8/2019, cùng hình thức nhượng quyền và nhiều ưu đãi khác trong thời gian đầu ra mắt, hiện tại E-Coffee đã có 154 cửa hàng đang vận hành và 400 cửa hàng đang xúc tiến mở mới trên 33 tỉnh, thành phố.

Theo chia sẻ từ đại diện Trung Nguyên, tốc độ đăng ký mới bình quân là 10 cửa hàng/ngày. Mục tiêu của Trung Nguyên trong năm 2020 là có 3.000 quán E-Coffee, còn Trung Nguyên Legend sẽ tiếp tục phát triển mở rộng nhưng có chọn lọc.

Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn D.Opro, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư các chuỗi thời trang và thực phẩm đánh giá, trong cuộc đua giành miếng bánh thị phần F&B, Highlands hay The Coffee House đang là những cái tên “hot”, giành được phần lớn thị phần bởi các chuỗi này phù hợp với nhiều đối tượng tại thị trường Việt Nam. Các chuỗi khác muốn đuổi theo cần có kế hoạch mang tính chiến lược.

“Theo tôi, kế hoạch mang tính chiến lược là nhân sự phải chuẩn bị tốt, tài chính phải khoẻ, tầm trung hạn 3-5 năm và có khoản dự phòng, đối ứng là hạn mức ngân hàng. Kế đó, làm chuỗi không nên ồ ạt, nóng vội, mà triển khai từng bước, từng cửa hàng, khi vào khuôn khổ và có doanh thu sẽ phát triển thêm”, ông Đức cho hay.

Theo ông Hoàng Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực F&B, diễn biến của ngành F&B trong thời gian tới sẽ cạnh tranh mạnh, nhưng đi theo hai hướng khác biệt: trải nghiệm và tiện lợi.

Hiện Highland, The Coffee House đi theo hướng trải nghiệm đang nằm ở vị trí dẫn đầu. Các chuỗi đến sau chọn lựa hướng tiện lợi để cạnh tranh như E-Coffee (của Trung Nguyên), Café Ông Bầu hay giờ là Hi-café… Hi-café được hậu thuẫn từ Vinamilk nên sẽ chia sẻ mặt bằng với chính những điểm bán lẻ sữa. Đây là một lợi thế lớn, nếu làm tốt, Hi-café sẽ đi nhanh hơn các đối thủ vì chuỗi bán lẻ của Vinamilk đang có nhiều địa điểm và có sẵn lượng khách.
Tin liên quan
Tin khác