Doanh nghiệp
Cuộc đua sinh tử của doanh nghiệp Việt
Nhã Nam - 20/10/2018 08:32
Các doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào một cuộc đua sinh tử, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu, làm thay đổi các phương thức kinh doanh truyền thống.
TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện đã từng được ông Sunil Singh, Giám đốc Công nghệ thông tin Coca-Cola kể lại, vào những năm 2008 - 2009, phong trào công nghệ kỹ thuật số ở Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhưng Coca-Cola vẫn lựa chọn bán hàng theo phương thức truyền thống: khách hàng đặt mua, đem về để tủ lạnh bán dần.

Khi ứng dụng số hóa len lỏi vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt khi Alibaba xuất hiện, Coca-Cola cũng tìm cách bán hàng trực tuyến. Nhưng suốt 5 năm, Hãng đi đến các cửa hàng, làm mọi thứ mà không nhận được đơn hàng trực tuyến nào.

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt ngồi ghế CEO tuần này

“Đó là vì chúng tôi thiếu quá nhiều công cụ ứng dụng, kênh tập hợp đơn hàng trực tuyến hiệu quả”, ông Sunil Singh kể. Ông cũng thừa nhận, Coca-Cola đã phải trả giá đắt vì điều đó, 8 năm đeo đuổi thị trường Trung Quốc mà không bán được hàng như mong muốn.

Tất nhiên, mọi chuyện bây giờ đã khác, bởi Coca-Cola đã nhanh chóng nhận ra sai lầm  và thay đổi. Họ lựa chọn đổi mới kỹ thuật số là một ưu tiên chiến lược để chiến thắng trên thị trường. “Bài học Coca-Cola rút ra là hãy tự động hóa quy trình của mình càng sớm càng tốt”, ông Sunil Singh nhấn mạnh và cảnh báo, những gì đã xảy ra ở Trung Quốc thì cũng có thể diễn ra ở Việt Nam. Bởi thế, các doanh nghiệp Việt Nam đừng lặp lại vết xe đổ này.

Thực tế, không chỉ Coca-Cola, mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rục rịch cho chuyển đổi số, như Công ty thương mại điện tử Shopee, hay Tập đoàn FPT. 

FPT thậm chí còn thực hiện chuyển đổi số ở cả “ba mũi giáp công”. Đầu tiên là chuyển đổi số trong chính hoạt động kinh doanh, quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tiếp đó, FPT cùng làm việc với những tên tuổi lớn trên thế giới như Amazon Web Services, Siemens, General Electric, Microsoft… để tiên phong triển khai các giải pháp, dịch vụ công nghệ dựa trên các nền tảng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng số cho các khách hàng tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả. Thứ ba, Tập đoàn sẽ đầu tư, ươm mầm những mô hình kinh doanh mới từ việc ứng dụng công nghệ. 

Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp làm được điều đó, dù theo khẳng định của ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công thương), ứng dụng số hóa là tất yếu trong quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất thông minh.

Một kết quả khảo sát về tính sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 được tiến hành từ cuối năm 2017 của Bộ Công thương cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới ở điểm xuất phát và có tới 61% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc.

Đó là nguyên nhân lý giải, vì sao tại một doanh nghiệp bất động sản, dù đã có thâm niên phát triển, vẫn đang lúng túng trong lựa chọn chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin. CEO nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp hiện rất manh mún, việc sử dụng các phần mềm cũng như đầu tư mua sắm trang thiết bị khá tùy tiện và không mang tính hệ thống, chưa thực sự xuất phát từ chiến lược kinh doanh và đáp ứng được mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. 

Bởi vậy, CEO đề xuất, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bài bản ngay từ đầu về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị lập tức phản đối với lý do, kế hoạch đó khá tốn kém. Hơn nữa, họ không muốn chi thêm vào những khoản mà chưa chắc mang lại hiệu quả hay không. 

CEO cho rằng, để đáp ứng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, thích ứng với xu thế 4.0, doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin và cần đầu tư, xây dựng chiến lược tổng thể về công nghệ thông tin. 

Trong khi đó, Hội đồng Quản trị cho rằng, CEO đang làm phức tạp hóa vấn đề một cách không cần thiết. Doanh nghiệp hiện đã và đang đi đúng hướng, hoạt động hiệu quả. Nếu xây dựng một chiến lược công nghệ thông tin bài bản thì sẽ phải phải bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc…

Mỗi bên đều có cái lý riêng. Vậy đâu mới là lời giải thỏa đáng cho doanh nghiệp? Đâu là con đường đúng đắn mà doanh nghiệp cần phải đi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu? 

Đó là câu hỏi mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề Doanh nghiệp 4.0 - Chiến lược công nghệ đặt ra. Người tham gia giải bài toán này là bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt. 

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (21/10) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (22/10) trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.
Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO – Chìa khóa thành công của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác