Đầu tư và cuộc sống
Cuộc đua tuyển sinh đầu cấp bắt đầu tăng nhiệt
Mộc An - 16/02/2023 08:11
Tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội năm nào cũng căng thẳng và đây là thời điểm cả thí sinh và phụ huynh bước vào đường đua.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều thí sinh chuẩn bị vào các lớp 1, lớp 6 và lớp 10 có định hướng thi vào các trường tư thục top đầu ở Hà Nội đã sẵn sàng bước vào cuộc đua để tham dự kỳ thi do các trường tổ chức.

Tới thời điểm hiện tại, nhiều trường tư thục đã công bố phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023-2024, khiến không khí tuyển sinh đang “nóng” dần lên.

Trường Marie Curie vừa công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 ở 3 cơ sở Mỹ Đình, Kiến Hưng và Văn Phú (Hà Nội). Tại cơ sở Mỹ Đình, trường tuyển 180 học sinh lớp 1, tuyển 360 học sinh lớp 6 và 320 em vào lớp 10. Tại cơ sở Văn Phú, trường tuyển 360 học sinh lớp 6 và 360 học sinh lớp 10. Riêng cơ sở Kiến Hưng, trường chỉ tuyển 180 học sinh lớp 1.

Về phương thức tuyển sinh, với lớp 1, thông qua 1 ngày học sinh dự trải nghiệm ở trường, nhà trường sẽ tuyển những học sinh phù hợp. Học sinh không dự trải nghiệm sẽ không được tuyển. Với lớp 6, học sinh lớp 5 đang học tại Trường Marie Curie được xét tuyển thẳng ở hai cơ sở Mỹ Đình hoặc Văn Phú. Còn học sinh trường khác sẽ làm bài kiểm tra đánh giá năng lực môn Toán và tiếng Anh.

Học sinh lớp 9 Trường Marie Curie đạt hạnh kiểm tốt, học lực giỏi 4 năm THCS cũng được trường đặc cách xét tuyển thẳng vào lớp 10 tại 2 cơ sở Mỹ Đình và Văn Phú. Với học sinh khác, trường sẽ căn cứ điểm xét tuyển kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2023 - 2024 của Hà Nội (hoặc các tỉnh) để xét tuyển.

Năm học 2023 - 2024, Hệ thống giáo dục M.V. Lomonosov tuyển sinh 10 lớp 6 với 340 học sinh. Trường tuyển sinh bằng hai hình thức: tuyển thẳng với học sinh có thành tích theo quy định của trường và kiểm tra đánh giá năng lực (3 bài Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh). Sau 2 ngày kiểm tra sẽ công bố kết quả và thông báo nhập học cho các học sinh trúng tuyển.

Thời gian đăng ký tuyển sinh vào lớp 1, Trường liên cấp Nguyễn Siêu bắt đầu từ ngày 20/2 bằng hình thức trực tuyến, thời gian xét tuyển dự kiến vào tháng 3. Năm nay, nhà trường sẽ tuyển 10 lớp 1 hệ Song ngữ quốc tế Cambridge. Với lớp 6, nhà trường chia làm 2 đợt tuyển sinh; trong đó học sinh cũ của trường Tiểu học Nguyễn Siêu đã trải qua bài đánh giá năng lực. Với học sinh trường khác phải làm bài đánh giá năng lực đầu vào.

Tương tự, Hệ thống trường Archimedes School tuyển sinh lớp 6 vào 2 đợt. Đợt 1 diễn ra ngày 26/2, đợt 2 vào 19/3 với hình thức trực tiếp tại các trường trong hệ thống AS hoặc trực tuyến (nếu cần). Lệ phí rà soát lên tới 1,5 triệu đồng/học sinh/đợt.

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở giáo dục THCS có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu thì được tổ chức thi đánh giá năng lực, lựa chọn học sinh. Trước đây, các trường THCS chỉ được phép xét tuyển bằng điểm trung bình học bạ 5 năm tiểu học và cộng điểm ở giải thưởng phụ để được ưu tiên.

Tuy nhiên hiện nay, các trường có tỷ lệ đăng ký xét tuyển cao đều có bài test riêng, thực chất là hình thức thi tuyển đầu vào. Vì vậy, cuộc chạy đua vào lớp 6 trở nên khốc liệt hơn, không chỉ là cuộc chạy đua về năng lực, mà còn là cuộc chạy đua về kinh tế và thời gian với cả học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh khi được hỏi cho hay, đây đang là thời điểm con em họ phải miệt mài tham dự các lớp luyện thi và học thêm.

Dẫu biết nguyện vọng của cha mẹ về việc chọn trường, chọn lớp cho con mỗi khi chuyển cấp là hoàn toàn chính đáng, song theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, có một thực tế mà cha mẹ cần lường trước, đó là những kỳ vọng của phụ huynh sẽ tạo thành áp lực tâm lý lên con trẻ. Vậy nên, thay vì đặt nặng về kiến thức văn hoá, cần phải cho trẻ tham gia nhiều hoạt động, chương trình khác theo khả năng, sở thích, giúp trẻ phát huy hết những năng lực tiềm ẩn. 

Ngoài ra, ông Lâm cho rằng, phía ngành giáo dục, các nhà trường cũng cần điều chỉnh nội dung những bài kiểm tra làm sao để không đánh đố học trò. Bài kiểm tra cần phải đề cao tính vận dụng, thể hiện tư duy, khả năng tự tìm tòi, khám phá của học trò. “Phụ huynh phải thay đổi cách nghĩ. Thay vì tâm lý đám đông, chạy đua cho con vào trường này, trường kia, hãy bình tĩnh lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất với con, giúp con phát huy hết khả năng, phù hợp với xu hướng phát triển của mình”, ông Lâm nói.

Nhiều giáo viên cũng tỏ ra lo lắng khi chứng kiến cảnh cha mẹ ép con tham gia quá nhiều lớp ôn thi vào lớp 6, tạo áp lực khiến con gặp phải các vấn đề về tâm lý.

“Thay vì lo lắng, tìm kiếm các lớp học thêm, ôn luyện cho con, cha mẹ hãy hướng dẫn con xây dựng thói quen tự giác học tập, học thật kỹ, thật chắc những kiến thức thầy cô đã dạy trên lớp. Các con chỉ cần học theo chương trình trên lớp là có đầy đủ kiến thức, hành trang  bước vào cấp học mới”, một giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.

Tin liên quan
Tin khác