Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, đã có 25 trong số 50 bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, gửi đơn kháng cáo.
Theo đó, chủ yếu các bị cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo, hoặc được giảm trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Cụ thể, bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt kháng cáo xin giảm nhẹ về mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự áp dụng với bị cáo trong vụ án.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm. |
Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự trong vụ án; không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm được mở vào cuối tháng 7/2024, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung là 21 năm tù.
Cùng bị kết án về 2 tội danh trên, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga bị phạt 8 năm tù.
Thêm vào đó, bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HoSE, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Lê Công Điền bị tuyên phạt 36 tháng tù về tội “công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; trong khi đó Trầm Tuấn Vũ bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong số các bị cáo còn lại, Lê Văn Tuấn (sinh năm 1978), Kiểm toán viên Công ty CPA kháng cáo toàn bộ bản án, không đồng ý với nội dung và mức án mà bản án sơ thẩm đã quy kết cho bị cáo.
Ngoài ra, còn một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Có 25 trong số 50 bị cáo bị tuyên án sơ thẩm đã có đơn kháng cáo. |
Theo bản án sơ thẩm đánh giá, hành vi vi phạm của các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng Faros, lập khống hồ sơ để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, rồi chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Kết quả điều tra xác định, có hơn 25.800 nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra để mua cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros bán ra đợt đầu. Họ không biết Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối để thao túng cổ phiếu.
Tòa sơ thẩm xác định, có hơn 25.800 nhà đầu tư là bị hại của vụ án này, được tuyên bồi thường 7.215 đồng/cổ phiếu ROS.
Liên quan tới hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, Hội đồng xét xử xác định, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ của nhiều nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Nhóm bị cáo này đã sử dụng thủ đoạn tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán số tiền hơn 700 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết được xác định là người chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đối với các hành vi vi phạm; và cũng là người quyết định việc sử dụng số tiền chiếm đoạt được.
Bản án sơ thẩm đánh giá, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về hình sự, chứng khoán; số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm.