Điểm nóng
Cựu Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên nộp lại 100 triệu đồng từ nguồn tiền phạm tội
Huệ Nguyễn - 10/10/2023 18:07
Khai nhận trước Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên nói, sau khi biết số tiền 100 triệu đồng đã nhận từ chủ mỏ than là từ nguồn tiền phạm tội mà có, nên đã nộp lại.

Ngày 10/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phiên xét xử 33 bị cáo trong vụ khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ).

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên khai quen biết Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty Yên Phước từ cuối năm 2019, nhưng đã ký giấy phép đầu tiên cho Linh là từ năm 2015.

Hội đồng xét xử vụ án khai thác than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến.

Sau khi “tạo điều kiện” cho Công ty Yên Phước, bị cáo Quyết đã nhận 100 triệu đồng từ bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, để tổ chức Đại hội Liên đoàn bóng bàn tỉnh Thái Nguyên do Nguyễn Ngô Quyết làm Chủ tịch Liên đoàn. Về số tiền này, bị cáo Quyết khai đã tự nguyện trả lại.

Bị cáo Quyết khai: “Khi làm việc với cơ quan điều tra, cơ quan điều tra hỏi bị cáo là có nộp lại số tiền đó không. Cơ quan điều tra nói rằng đây là số tiền từ bán than, do phạm tội mà có. Sau đó bị cáo cũng tự nguyện nộp lại 100 triệu đồng này để khắc phục hậu quả”.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Ngô Quyết; Nguyễn Văn Phong, cựu Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công thương và Đỗ Huy Cương, cựu Phó trưởng phòng đã thẩm định, tham mưu và ký ban hành Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp số 19/2018/GP-SCT ngày 9/10/2018 với khối lượng 12.856 kg/năm. Con số này vượt 9.796 kg/năm so với khối lượng sử dụng khai thác theo thiết kế cơ sở (3.060 kg/năm).

Việc cấp phép như trên, các bị cáo khai lý do là tạo điều kiện cho Công ty Yên Phước có vật liệu nổ công nghiệp sử dụng khai thác than vượt sản lượng.

Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên khai: “Bị cáo thừa nhận thiếu sót của bị cáo là không có sự sâu sát, sự phát hiện ra những tình huống nhạy cảm, không có những chỉ đạo sát sao hơn”.

Cùng với đó, bị cáo Tuấn cũng thừa nhận trách nhiệm khi trình UBND tỉnh ký giấy phép cho Công ty Yên Phước. “Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo thấy có một số điều kiện chưa được đáp ứng”, bị cáo này nói thêm.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn cùng 3 cấp dưới bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Nguyễn Thanh Tuấn được tại ngoại, nên không phải mặc quần áo phạm nhân.

Trước đó, cáo trạng xác định, với vai trò Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Tuấn là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan truy tố cáo buộc Nguyễn Thanh Tuấn không chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản tại Công ty Yên Phước, nên không phát hiện được công ty này khai thác than không đúng với sản lượng ghi trên giấy phép.

Cụ thể, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác than trong khu 59 ha ở Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ) đến giữa năm 2031, với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.

Trong quá trình khai thác than, bị cáo Linh đã cấu kết với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh góp vốn, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.

Tính đến thời điểm bị khởi tố, nhóm người này đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm, trong đó có 2,7 triệu tấn than; 420.000 m3 bã sàng và đá đen.

Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác