Trình bày phần bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, luật sư của bị cáo này khẳng định, Viện Kiểm sát truy tố về tội “Nhận hối lộ” đối với bị cáo Dũng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, vị này cho rằng, cần làm rõ hơn những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để Hội đồng xem xét, đưa ra phán quyết cuối cùng.
Theo luật sư, trước khi xét duyệt chuyến bay combo vào năm 2021, bị cáo Dũng không có bất kỳ mối quan hệ nào với các cá nhân trong danh sách 13 công ty được phê duyệt các chuyến bay, trong đó 7 công ty đã tham gia từ năm 2020; 6 công ty còn lại là do quan hệ của các Bộ ngành đến tiếp xúc với bị cáo.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. |
Thêm vào đó, bị cáo Dũng không có những hành động hứa hẹn, thỏa thuận để đưa các doanh nghiệp này vào danh sách đề xuất, cấp phép chuyến bay; không có thỏa thuận về ăn chia, và cũng không gây khó dễ khi tham gia xét duyệt.
Viện dẫn thêm căn cứ thể hiện sự khách quan của bị cáo Dũng, luật sư cho biết, trong số 47 doanh nghiệp tham gia hoạt động các chuyến bay combo, chỉ có 13 doanh nghiệp đến gặp, còn lại bị cáo Dũng hoàn toàn không biết các doanh nghiệp khác là ai, không đến gặp.
Thêm vào đó, sau khi có chuyến bay được phê duyệt, một thời gian sau các cá nhân mới gọi điện, đề nghị đến gặp, nhưng ban đầu cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đều từ chối. Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp này tha thiết xin gặp, bị cáo Dũng cũng là muốn nghe các cá nhân này trình bày các khó khăn, thuận lợi liên quan, để rút kinh nghiệm cho các chuyến bay sau, nên đã đồng ý gặp.
Cũng theo luật sư, bị cáo Dũng nhận thức, sau khi các chuyến bay được hoàn thành, các doanh nghiệp mới đến cảm ơn, do trước đó bị cáo đã hướng dẫn nhiệt tình, không có vụ lợi gì.
Ngoài ra, khi vụ án được điều tra, bị cáo đã nhận thức rằng, là công chức nhà nước, nhận bất cứ số tiền nào cũng là vi phạm pháp luật, do đó đã tích cực khai báo, đồng thời khắc phục hoàn toàn số tiền 21,5 tỷ đồng là hậu quả trong vụ án do mình gây ra.
Được trình bày thêm ý kiến, bị cáo Tô Anh Dũng tiếp tục khẳng định, luôn thành khẩn nhận tội, theo như những nội dung đã được nêu trong cáo trạng.
Theo bị cáo: “Trong thời gian dịch bệnh, được giao làm thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tôi cũng nhận thức được trách nhiệm của mình để nỗ lực, cố gắng khắc phục nhanh nhất dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại với người dân, cũng như bảo hộ các công dân ở nước ngoài. Do đó, trong việc tham mưu chính sách, không bao giờ nghĩ đến việc trục lợi. Liên quan tới các chuyến bay combo, cá nhân tôi với chức năng nhiệm vụ được giao, đã hết sức nỗ lực xây dựng quy trình để triển khai, với mong muốn bà con trở về nước nhanh nhất, an toàn nhất, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.
Theo bị cáo Dũng, xuất phát từ sự nể nang, mong muốn doanh nghiệp triển khai sớm các chủ trương của Nhà nước; thêm vào đó là nhận thức đơn giản, không nhận thức được hành vi nhận tiền cảm ơn là hành vi vi phạm. Quá trình điều tra, các cán bộ giải thích và đọc luật, nên đã nhận thức được hành vi, đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo.
“Suốt 1 năm trong trại giam, tôi rất ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội, nói với gia đình tích cực khắc phục hậu quả của mình gây ra. Tôi thành khẩn nhận lỗi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao. Mong Hội đồng xét xử xem xét thêm cho các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao, cũng như các cơ quan đại diện, các bị cáo ở những bộ ngành khác, những người đã thực sự tham gia đóng góp và nhận thức sai lầm của mình. Cả đời tôi cũng đã phấn đấu, mong được trở về với gia đình trong những năm cuối của cuộc đời”, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nghẹn ngào.
Trong vụ án, bị cáo Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ từ 13 doanh nghiệp, với số tiền lên tới 21,5 tỷ đồng để tạo điều kiện cấp phép các chuyến bay cho các doanh nghiệp. Viện Kiểm sát cũng đề nghị tuyên án từ 12-13 năm tù đối với bị cáo này về hành vi “Nhận hối lộ”.