Ông Trần Bằng Việt hiện là Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam cho biết, đã qua 3,5 lần khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên Đại học Khoa học tổng hợp, nhưng có đến 2,5 lần thất bại.
Trong buổi trò chuyện với các bạn trẻ trong buổi phát động cuộc thi Tôi khởi nghiệp tại Dreamplex 2 gần đây, ông Việt chia sẻ, vẫn có những trường hợp khởi nghiệp thành công từ thời sinh viên. Tuy nhiên, số lượng ấy không nhiều.
Ông Trần Bằng Việt cho rằng, người trẻ không nên bị ru ngủ bởi những câu nói như người Việt thông minh, cần cù. Ảnh: Hồng Phúc |
Sự hồn nhiên và sẵn lòng làm mọi việc của sinh viên có thể khiến dự án khởi nghiệp may thì thành, không may thì bại. Kể cả khi thành công cũng chỉ mang tầm nho nhỏ. Sau đó, sinh viên lại phải vất vả, khó khăn để nâng tầm bản thân cũng như doanh nghiệp mình.
“Khởi nghiệp, có thể sẽ thất bại 1, 2, 3 lần và thậm chí nhiều hơn nữa. Nhưng, những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình khởi nghiệp, làm việc nơi khác đều giúp rất nhiều trong cuộc sống sau này. Nếu khởi nghiệp mà không mất gì thì tại sao không thử? Các bạn cứ thử đi, yên tâm, nó không đi tới đâu đâu. Cái đi đến đâu là những thứ sẽ vào trong đầu các bạn. Xui quá mà thành công thì bán bớt hoặc nhờ đối tác đưa công ty phát triển. Trong lúc đó, hãy nhảy đi học kinh nghiệm và nhiều kiến thức khác”, ông Trần Bằng Việt nói.
Từng sống và làm việc tại Canada 2 năm khiến ông Việt phải nhận thấy, ưu điểm chung người Việt trẻ so với các nước khác là sự hồn nhiên không biết mình thua người ta. Và chỉ khi trực tiếp cọ xát, làm việc và cạnh tranh với bạn bè thế giới, sự thua kém ấy mới hiện rõ.
Một số ý kiến cho rằng, người Việt Nam cần cù, thông minh, song ông Việt thể hiện quan điểm, người Việt là những người lười biếng nhất thế giới.
"Đừng bị ảo tưởng và ru ngủ bởi những điều đó nữa. Tư duy phản biện không được nuôi dưỡng, yếu khả năng làm việc nhóm...”
"Cơ hội ở khắp mọi nơi, thời cơ là lúc năng lực của bạn đã sẵn sàng. Do đó, việc luôn cầu tiến, không ngại thay đổi sẽ giúp người trẻ nói riêng, giải quyết những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp", ông Việt nói.
Ông Việt nhấn mạnh, tiền là cái ít quan trọng nhất trong khởi nghiệp và không tiền, làm được mới là giỏi.