Ông có cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn vừa qua, đặc biệt năm 2015 đạt 6,68% - tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, có phần nhờ chi đầu tư phát triển tăng?
Có thể nói, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2011 - 2015 là phù hợp, đặc biệt năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng. Kết quả này có được do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng mạnh vì nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Trong cả giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.617.100 tỷ đồng, gấp hơn 1,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP bình quân 5 năm đạt 31,7%.
Trong đó, năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.367.200 tỷ đồng, chiếm hơn 24,3% tổng vốn đầu tư của cả giai đoạn và tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra là 30 - 32% GDP. Có thể nói, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó?
Đầu tư tăng, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vốn ODA, một mặt góp phần tăng trưởng kinh tế, mặt khác gây áp lực lên bội chi, nợ công. Năm 2015, bội chi 256.000 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ đồng phải tăng thêm để đáp ứng yêu cầu vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã khiến bội chi lên tới 6,1%/GDP, nợ công tương đương 62,2% GDP, nợ chính phủ là 50,3% GDP (vượt trần Quốc hội cho phép là 50% GDP), nợ nước ngoài tương đương 43,1% GDP.
Năm 2014 và 2015 giải ngân vốn đối ứng trong các dự án sử dụng vốn ODA cao hơn rất nhiều so với dự toán là một trong những nguyên nhân khiến bội chi cao hơn dự toán. Theo ông, trong giai đoạn tới sẽ xử lý thế nào nguồn vốn này?
Để giảm bớt áp lực đối với tình hình nợ công, bội chi phải quan tâm tới việc xử lý việc sử dụng vốn ODA. Vốn đối ứng giải ngân cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thời gian vừa qua tăng là do chúng ta thực hiện phương thức cấp phát nguồn vốn này. Với phương thức cấp phát thì địa phương cứ chạy dự án, chạy vốn, bởi quyết định dự án đầu tư rất dễ dàng vì là “tiền cho không, biếu không”.
Chính vì vậy, tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính là từ năm 2016, thay vì cấp phát vốn ODA, sẽ chuyển sang hình thức cho vay. Khi không còn được cấp phát, mà chuyển sang cho vay, các địa phương buộc phải lựa chọn dự án thật cấp thiết, chứ không phải là cần thiết khi quyết định đầu tư. Tính cấp thiết là nguồn vốn vay phải ưu tiên cho dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Khi không cấp phát mà chuyển sang cho vay, thì trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này chắc chắn sẽ nâng cao. Ông có nghĩ thế không?
Đương nhiên, khi không được cấp phát mà chuyển sang cho vay, có vay có trả cả vốn lẫn lãi thì sẽ gắn trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định vay nợ, gắn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư. Người ra quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu như dự án không phát huy hiệu quả, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu phải vay lại nguồn vốn ODA thì địa phương vừa phải trả lãi, vừa phải trả phí, vì thế sẽ không vay lại nguồn vốn này, mà phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thưa ông?
Kể từ giữa năm 2017, nguồn vốn ODA sẽ phải vay với lãi suất cao hơn, thời gian ngắn hơn, nên tôi cho rằng, trước khi vay, địa phương sẽ cân nhắc về lãi suất, thời gian, chi phí và các điều kiện kèm theo để tính xem nên chọn lựa phương án tối ưu: hoặc là vay lại vốn ODA hoặc là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Khi quyết định đầu tư vào đâu, chủ đầu tư phải tính đến sử dụng nguồn vốn nào, vay ở trong nước, vay nước ngoài, huy động trái phiếu công trình, trái phiếu chính quyền địa phương hay vay lại vốn ODA.
Nếu chi phí vay vốn cao, địa phương sẽ lựa chọn phương thức đầu tư theo các hình thức đối tác công - tư (PPP), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO), miễn sao dự án đầu tư khi đưa vào khai thác có hiệu quả cao nhất.