Tham dự và chứng kiến lễ bàn giao có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,...
Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV có công suất 1.050 MW/nhà máy, đặt tại Trung tâm điện lực Ô Môn, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, có tổng công suất 3.810 MW. Các nhà máy sử dụng khí thiên nhiên từ mỏ khí Lô B.
Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và được chuyển tiếp triển khai trong danh mục tiến độ nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 (Quy hoạch điện VIII).
Hiện tại, dự án NMĐ Ô Môn III và Ô Môn IV đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Dự án NMĐ Ô Môn III và Ô Môn IV là dự án thành phần trong Chuỗi dự án khí – điện Lô B (Chuỗi dự án), bao gồm các dự án thượng nguồn (mỏ khí), trung nguồn (dự án đường ống dẫn khí) và hạ nguồn (nhà máy điện).
Chuỗi dự án này cũng đang đặt kỳ vọng có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.
Theo Quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, chuỗi dự án cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Trong thời gian qua mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ/Ngành và Cơ quan, tuy nhiên, việc triển khai Chuỗi dự án là chưa có tiền lệ, giao diện phức tạp với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và các bên cần phải có những quyết định đồng bộ trong khi thời gian không còn nhiều do yêu cầu gấp rút của dự án.
Nếu không có được những quyết định kịp thời từ khâu hạ nguồn, Chuỗi dự án sẽ đứng trước nguy cơ khó đáp ứng được tiến độ nêu trên. Khi đó, việc chậm trễ sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các công việc hiện nay của thượng nguồn và trung nguồn mà còn tác động tới tính khả thi của việc tiếp tục triển khai dự án của các bên đối tác trong và ngoài nước.
Trước tình hình EVN đang gặp khó khăn rất lớn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho Dự án Ô Môn III cũng như khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho Dự án Ô Môn IV, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai 2 dự án này, tại văn bản số 77/TTg- CN ngày 24/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV từ EVN sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Tại lễ bàn giao, đại diện EVN và Petrovietnam đã ký kết biên bản bàn giao một số hợp đồng liên quan đến dự án gồm: Hồ sơ Quy hoạch Trung tâm Điện lực Ô Môn; Hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án Nhà máy điện Ô Môn III; Hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV; cùng các văn bản liên quan đến thu xếp vốn và các văn bản khác.
Việc tổ chức bàn giao đã khẳng định tinh thần trách nhiệm của Petrovietnam và EVN trong việc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Petrovietnam và EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng bàn giao dự án theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, để triển khai các bước tiếp theo nhằm đưa các dự án vào vận hành như tiến độ đặt ra.
Đồng thời, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư để giảm thiểu việc ảnh hưởng tới tiến độ cam kết tiếp nhận khí từ thượng nguồn và trung nguồn của hai nhà máy cùng một số công việc liên quan.
Tại lễ bàn giao, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhấn mạnh lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị “hai Tập đoàn cần phối hợp hoàn thành các công việc nêu trên, đặt lợi ích của quốc gia và dân tộc lên trên hết”.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, việc tiếp nhận làm chủ đầu tư các dự án điện Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao mà Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ giao phó.
Lãnh đạo Petrovietnam tin tưởng rằng, với việc thực hiện thành công và đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 2.700 MW/6.570 MW nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp trong toàn hệ thống điện Việt Nam, chưa tính đến 1.500 MW dự án Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đang triển khai đầu tư xây dựng và các kinh nghiệm có được tại Dự án Nhà máy điện Thái Bình 2 vừa qua, sẽ là động lực to lớn để Petrovietnam tự tin, hoàn thành các dự án NMĐ Ô Môn III và Ô Môn IV đáp ứng tiến độ, chất lượng công trình.