Trong 3 quý của năm 2018, qua đối chiếu 2.605 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, KTNN phát hiện tỷ lệ sai phạm là 95% và kiến nghị nộp ngân sách tăng thêm gần 1.770 tỷ đồng. Ông có ý kiến gì về thông tin này?
Trong quá trình kiểm toán ngân sách địa phương và kiểm toán hoạt động đối với cơ quan thuế, KTNN đề nghị cơ quan thuế cung cấp hồ sơ khai thuế, nộp thuế, thực hiện các chính sách, pháp luật về thuế của các đối tượng thuộc danh sách quản lý theo phương pháp rủi ro, do cơ quan thuế lập hàng năm để đối chiếu.
. |
Trong quá trình đối chiếu, đúng là đã phát hiện ra 94-95% số hồ sơ có sai phạm. Con số này không phải là bất ngờ với cơ quan thuế, vì sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra các đối tượng được xếp vào diện rủi ro, cơ quan thuế phát hiện tỷ lệ sai phạm còn lớn hơn, thậm chí lên đến 97-98%.
Như vậy, tình trạng thất thu thuế, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh là rất lớn, thưa ông?
Cần phải hiểu, KTNN đối chiếu hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp thuộc diện quản lý theo phương pháp rủi ro, do cơ quan thuế xây dựng; cơ quan thuế cũng chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với đối tượng này.
Doanh nghiệp được đưa vào đối tượng quản lý theo rủi ro là doanh nghiệp có nguy cơ không tuân thủ chính sách pháp luật thuế, thường xuyên vi phạm các chính sách thuế, kinh doanh các lĩnh vực dễ dẫn đến thất thu thuế như nhà hàng, nhà nghỉ, buôn bán xe máy; doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh liên tục, doanh nghiệp có doanh thu tăng bất thường nhưng số thuế nộp không tăng; doanh nghiệp có số thuế nộp thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có cùng quy mô, ngành nghề, doanh thu… trên cùng địa bàn.
Trong quản lý thuế, căn cứ vào “Tiêu chí đánh giá rủi ro”, cơ quan thuế phân loại mức độ rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế để lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế. Tỷ lệ 94-95%, hay 97-98% là tỷ lệ hồ sơ thuế phát hiện ra sai sót trong tổng số hồ sơ đối chiếu thuộc đối tượng quản lý theo rủi ro, chứ đây không phải là tỷ lệ doanh nghiệp ngoài quốc doanh sai phạm về thuế. Con số này cũng không được hiểu là tỷ lệ doanh nghiệp ngoài quốc doanh gian lận thuế, trốn thuế.
Nhưng nhìn vào con số 94-97% doanh nghiệp thuộc diện quản lý theo rủi ro vi phạm về thuế cũng không khỏi khiến nhiều người lo ngại?
Có nhiều lý do dẫn đến tỷ lệ này.
Thứ nhất, trước đây, cơ quan thuế tính thuế và gửi thông báo nộp thuế đến doanh nghiệp và doanh nghiệp đi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nên ít xảy ra sai sót. Nhưng kể từ năm 2007 đến nay, thực hiện Luật Quản lý thuế, trao quyền cho doanh nghiệp tự khai thuế, tính thuế và nộp thuế, nên dẫn đến sai sót nhiều hơn.
Thứ hai, khoảng 97% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm phần lớn và đa phần là mới thành lập. Do là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lại mới thành lập, nên hệ thống hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán chưa đầy đủ, cộng thêm với việc do quy mô nhỏ nên trình độ nhân viên kế toán của doanh nghiệp thường không cao, dẫn đến sai sót trong việc lập chứng từ, sổ sách, hồ sơ kế toán.
Thứ ba, mặc dù có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nhưng doanh nghiệp thường kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực kiểu “công ty trách nhiệm hữu hạn xuất - nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ tổng hợp”, khiến việc thực hiện đúng các quy định về chuẩn mực kế toán khó có thể “chuẩn chỉ”.
Thứ tư, hiểu biết về các chính sách thuế, chuẩn mực kế toán của doanh nghiệp còn yếu, nên vô tình bị sai sót.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp nhân kỷ niệm ngày thành lập, lễ tết, mua quà ở siêu thị về tặng cho người lao động, nhưng không xuất hóa đơn vì nghĩ rằng mua quà về tặng người lao động thì cần gì phải xuất hóa đơn. Việc không xuất hóa đơn là sai quy định, khi kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, cơ quan KTNN hay cơ quan quản lý thuế vẫn đưa doanh nghiệp vào diện vi phạm quy định về thuế, nhưng về bản chất, doanh nghiệp không có ý định gian lận thuế, trốn thuế.
Hay vào những ngày cuối cùng của tháng 12, doanh nghiệp mới có doanh số bán hàng, phát sinh thuế phải nộp, nhưng không kịp nộp nên phải để đến tháng 1 năm sau mới thực hiện nghĩa vụ thuế. Khi đối chiếu thuế, KTNN vẫn cho là vi phạm, trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp được quyền khai thuế bổ sung vì phải đến ngày 31/3 năm sau mới quyết toán thuế.
Thứ năm, chính sách thuế thay đổi liên tục, hầu như năm nào cũng sửa đổi, bổ sung, ví dụ như Luật Quản lý thuế có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2007, mới có khoảng 10 năm thực hiện đã 2 lần sửa đổi, bổ sung và sắp tới đây phải ban hành Luật Quản lý thuế sửa đổi hầu như toàn bộ nội dung.
Ý ông muốn nói là tỷ lệ vi phạm chính sách thuế như trên là bình thường?
Cần phải hiểu là đa phần doanh nghiệp có sai sót trong thực hiện chính sách thuế, chứ không phải là vi phạm chính sách thuế và càng không nên đánh đồng sai sót với việc trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tôi ví dụ, quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Trong 5 ngày làm việc một tuần, 4 tuần một tháng và 12 tháng một năm, có cán bộ, công chức nào bảo đảm là không có mùi rượu bia trong giờ làm việc không? Chắc chắn là không, vì trong năm thế nào vào buổi trưa cũng phải có buổi đi cưới xin, giỗ chạp… Vì vậy, cần phải hiểu, chỉ có những người uống quá nhiều, uống thường xuyên, la cà quán nhậu buổi trưa mới là vi phạm, còn các trường hợp công chức, viên chức uống chút bia rượu vào buổi trưa trong các mối quan hệ là không vi phạm.
Tương tự, cần phải phân biệt, chỉ những doanh nghiệp cố tình gian lận thuế, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước mới là vi phạm chính sách sách thuế, còn doanh nghiệp vì lý do nào đó chưa thực hiện đúng thì chỉ là sai sót trong thực hiện chính sách thuế.
Nhưng con số 1.770 tỷ đồng được KTNN kiến nghị nộp ngân sách tăng thêm không phải là nhỏ, thưa ông?
Trong số tiền kiến nghị tăng thu này có một số doanh nghiệp phải nộp tăng thêm hàng trăm tỷ đồng, còn tuyệt đại đa số doanh nghiệp phải nộp tăng thêm không đáng kể.
Theo quy định, cơ quan thuế phải thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN và Thanh tra Chính phủ, tức là yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là kết luận, kiến nghị của KTNN, Thanh tra Chính phủ, nên trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp khiếu nại lên cơ quan cấp cao hơn, thậm chí khiếu kiện ra tòa. Trong không ít trường hợp, doanh nghiệp thắng kiện, tòa bác kiến nghị, kết luận của KTNN, Thanh tra Chính phủ. Có nghĩa là, con số mà KTNN, Thanh tra Chính phủ kiến nghị truy thu, truy hoàn, truy nộp tiền thuế của doanh nghiệp không đồng nghĩa với số tiền ngân sách nhà nước bị thất thu nếu không thanh tra, kiểm toán.