Doanh nghiệp
Đã qua thời “quá lớn để thất bại”
Hồng Phúc - 14/12/2020 09:13
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hỗn loạn vì đại dịch, các doanh nghiệp quy mô lớn được nhắc đến như những “cỗ xe” nặng nề, chậm chạp khi cần đưa ra các quyết định mang tính nhanh nhạy.
.

Thuyền to, sóng cả

Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ khi đại dịch Covid-19 đang chứng minh, quy luật “quá lớn để thất bại” sẽ không còn. Đây là nhận định của ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom.

Nhận định trên dựa trên quan sát, phân tích của ông Tiến từ các doanh nghiệp quy mô lớn, cả trong và ngoài nước.

Không khó để tìm kiếm các doanh nghiệp đã sụp đổ vì tác động của đại dịch. Brooks Brothers, nhãn hiệu thời trang từng cung cấp trang phục cho 40 tổng thống Mỹ đã đệ đơn xin phá sản từ giữa năm 2020, vì những khó khăn do đại dịch.

Trong khi đó, AirAsia Japan Co., chi nhánh của Tập đoàn AirAsia tại Nhật Bản cũng vừa đệ đơn xin phá sản lên Tòa án quận Tokyo, hơn một tháng sau khi tuyên bố dừng hoạt động tại nước này do ảnh hưởng của Covid-19.

Các chuyên gia cho biết, rất nhiều tên tuổi lớn khác đã tuyên bố đóng cửa hoặc rục rịch nộp đơn xin phá sản.

Thuyền to thì sóng cả. Tập đoàn FPT có khoảng 36.000 lao động, riêng tại FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến quản lý hơn 10.000 người và dù doanh nghiệp lớn có lợi thế về vốn, uy tín khi vay tiền, nhưng ông thẳng thắn nhìn nhận, khi gặp khó khăn, thì mối lo sẽ lớn gấp hàng ngàn lần so với start-up.

“Với công ty lớn, làm gì cũng phải có chiến lược. Ở FPT, mỗi chiến lược được chọn phải trải qua 5 vòng, sau đó mới bước vào xây dựng kế hoạch cụ thể và không ít kế hoạch mất vài tháng tranh luận. Tôi ví doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động trong khủng hoảng như những chiếc xe to đang chạy, muốn đạp phanh hay chuyển hướng đều rất khó và chậm chạp”, ông Tiến chia sẻ.

Đồng thời, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, sự linh hoạt có trong “gene” của các start-up sẽ trở thành lợi thế trong giai đoạn hiện nay. Bởi khi gặp khó khăn, đội ngũ vài người có thể trả mặt bằng văn phòng và về nhà làm. Thị trường không chấp nhận sản phẩm nào, người khởi nghiệp có thể nhanh chóng điều chỉnh, thậm chí tạo sản phẩm mới. Còn với những công ty quy mô lớn như FPT, ông Tiến thừa nhận, điều này không thể làm được, đặc biệt khi mỗi quyết định đưa ra đều ảnh hưởng đến “chén cơm” của hàng chục ngàn người lao động, chứ không chỉ vài chục lãnh đạo.

“Chỉ riêng việc tính lương bình quân 20 - 30 triệu đồng/tháng cho khoảng 10.000 người cũng đã đủ… mệt mỏi. Kế đó, tiền thuê cho 10.000 chỗ làm việc đủ cho thấy sự khác biệt quá lớn với các start-up. Ngày hôm nay, quy luật “quá lớn để thất bại” đã không còn nữa và đây chính là cơ hội cho những người linh hoạt thay đổi, cho các start-up”, Chủ tịch FPT Telecom nhận định.

Ổn định mà vẫn phải đổi mới

VUCA - thuật ngữ xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước để mô tả về thế giới đa phương sau chiến tranh lạnh. Thuật ngữ này ngày nay lại càng được sử dụng phổ biến để chỉ trạng thái mới trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt từ khi Covid-19 xuất hiện.

Đây là chữ viết tắt của các từ tiếng Anh là Volatility (nhiều biến động), Uncertainty (bất định), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ).

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse cũng đồng tình với nhận định rằng, “quá lớn để thất bại” không còn đúng trong thế giới VUCA hiện nay, như cách lý giải của Chủ tịch FPT Telecom.

Ở góc độ tích cực, quy mô lớn là lợi thế, nhưng nhìn từ khía cạnh nhược điểm, quy mô càng lớn, thì hệ thống càng cồng kềnh. Thêm vào đó, ông Phú cho rằng, thế hệ lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn đang dần tiến tới ngưỡng “về hưu”, khi tuổi ngày càng cao và sức khỏe giảm dần. Mà sự quyết đoán, nhanh nhạy trong kinh doanh cũng có thể giảm theo độ tuổi của lãnh đạo.

“Khi già đi, họ sẽ chẳng muốn thay đổi để tìm kiếm sự ổn định, nên mọi việc đều rơi vào guồng chậm chạp”, ông Nguyễn Xuân Phú nhận định.

Ngày hôm nay, quy luật quá lớn để thất bại đã không còn nữa và đây chính là cơ hội cho những người linh hoạt thay đổi, cho các start-up”.

Chủ tịch FPT Telecom

Nhưng trong kinh doanh, kinh tế thị trường mang đến “đặc sản” cạnh tranh và làm mất đi sự ổn định để tìm ra cái mới, chất lượng hơn đối thủ.

Không kiên định mục tiêu được nhận diện là lý do thất bại của Nhacso.net - một dự án do FPT thực hiện, ra mắt từ tháng 6/2005, chú trọng giới thiệu âm nhạc đúng gu của người dùng, căn cứ vào hành vi nghe nhạc của họ.

Với doanh nghiệp quy mô lớn như FPT, ông Hoàng Nam Tiến cho biết, đội ngũ đã thực hiện chuẩn chỉnh qua các khâu phân tích thị trường, thị trường phát triển…, cũng như có trợ lực từ khách hàng, bộ máy có sẵn để triển khai.

“Nhacso mất hơn 10 năm để phát triển, dù đau lòng khi phải bỏ đi, nhưng cần chấp nhận sự thật là không thể thay đổi được thói quen người dùng và thuyết phục họ trả tiền khi nghe nhạc có bản quyền”, ông Tiến nói về việc không kiên định mục tiêu.

Doanh nghiệp nào cũng cần sự ổn định. Nhưng sự ổn định cũng có hai mặt. Khi đi dạy về quản trị kinh doanh, ông Tiến đều đưa ra bài học từ tất cả các công ty lớn phát triển được là nhờ sự kiên định, kiên trì, ổn định với mục tiêu của mình.

“Đó là kết luận mang tính nghiên cứu. Tôi dần nhận ra rằng, công ty chúng ta ổn định và không phát triển được vì có quá nhiều người tốt - người chỉ làm tròn vai, tròn trách nhiệm của mình và họ rất sợ thay đổi, sợ ý kiến đổi mới, rất sợ điều khác thường. Đây cũng chính là thách thức đối với các tổ chức nỗ lực kiếm tìm sự thay đổi”, ông Tiến nói.

Tin liên quan
Tin khác