Tiêu dùng
Đặc sản nhập khẩu mùa Tết giành thị phần với hàng nội
Thế Hoàng - 31/01/2018 06:33
Trong vô vàn sản phẩm mùa Tết được cung ứng ra thị trường, các đặc sản nhập khẩu đa dạng đang tạo sức hút mạnh đối với người tiêu dùng trong nước.

Nhiều đặc sản nhập ngoại

Sôcôla, kẹo Krokant (Nga), đùi gà hun khói, thịt cua Hoàng Đế… là những sản phẩm nhập ngoại không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Cận Tết, một lượng hàng hóa lớn được cung ứng bởi các doanh nghiệp thương mại và kênh xách tay đang lấy lòng không ít người tiêu dùng thành thị.

.

Bà Hoàng Thu Trang, Đại diện Công ty TNHH Hoàng Ngân (phố Chùa Vua, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, từ 2 năm nay, lượng đùi gà xông khói được doanh nghiệp nhập khẩu từ Hàn Quốc về cung ứng cho thị trường nội địa liên tục tăng. Hiện tại, lượng hàng được doanh nghiệp này bán ra mỗi ngày tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Với giá cả hợp lý, dễ sử dụng và không phải qua chế biến, mỗi chiếc đùi gà xông khói có trọng lượng  từ 750 - 1.000 g, giá từ 215.000 - 250.000 đồng/chiếc, rất phù hợp cho tiêu dùng trong mỗi gia đình ngày Tết hoặc làm quà biếu.

Bên cạnh đó, lườn ngỗng hun khói (180.000 - 200.000 đồng/kg), thịt cua Hoàng Đế (800.000 - 1 triệu đồng/kg)… cũng là những đặc sản có lượng cung - cầu cao trong mùa Tết này.

Xa xỉ hơn, món chân cua Hoàng Đế đang được một số nhà cung ứng bán ra thị trường. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ông Giàu (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, Phú Yên) hiện đang chào bán đặc sản này với giá 1,5 triệu đồng/kg.

Trong khi đó, ở phân khúc bình dân, các mặt hàng bánh kẹo, đồ ăn vặt cũng rất sẵn đặc sản nhập khẩu, chủ yếu từ Nga, Hàn Quốc… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và đang cạnh tranh thị phần rất mạnh với các doanh nghiệp trong nước.

“Sôcôla, bánh nấm, hạt hướng dương Nga… đang bán ra rất chạy”, chị Nguyễn Thu Thảo, Facebook Thaonguyen cho hay. Hút khách, dễ tiêu thụ là bởi những sản phẩm này có giá cả hợp lý.

Đánh vào phân khúc độc, lạ

Theo Nielsen, xu hướng chi trả cho sản phẩm chất lượng cao, độc, lạ của người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Cụ thể, có đến khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho dòng sản phẩm cao cấp, có thương hiệu nổi tiếng về an toàn, chất lượng, sạch, xanh, có lợi cho sức khỏe. Bởi vậy, các doanh nghiệp có sản phẩm mới, đánh trúng nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội thắng lợi.

Có khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho dòng sản phẩm cao cấp.

Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia (128 - Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) cho biết, nhiều đặc sản cao cấp đã được Công ty nhập khẩu về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, trong đó, có nhiều sản phẩm tươi sống để người tiêu dùng lựa chọn, từ bào ngư, cá bơn Hàn Quốc tới cua Hoàng Đế đông lạnh, tươi sống…

“Mặc dù giá cao nhưng đi kèm chất lượng nên Công ty không lo dư hàng”, đại diện Hải sản Hoàng Gia cho hay. Giá cua hoàng đế King Crab sống, nhập khẩu từ Canada hiện được công ty này bán với giá 1.850.000 đồng/kg; cua King Crab đông lạnh 1.098.000 đồng/kg; tôm hùm sống nhập khẩu từ Canada có giá từ 950.000 - 1,1 triệu/kg.

Để cạnh tranh trong phân khúc hàng đặc sản, một số sản phẩm, như cua hoàng đế tươi sống, hiện được một số doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam bằng đường hàng không, đảm bảo độ tươi ngon cho khách hàng.

Ngoài kênh bán trực tiếp, các doanh nghiệp và chủ hàng đều tận dụng tối đa các kênh bán hàng qua thương mại điện tử (website, facebook…) để gia tăng lượng hàng hóa bán ra.

Nhu cầu tiêu dùng hàng thiết yếu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Sự phong phú của nguồn hàng Tết nhập khẩu đang trực tiếp chia thị phần với hàng trong nước. Vì vậy, để có sản lượng tiêu thụ cao, bên cạnh việc nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi tư duy sản xuất, “đánh” vào những sản phẩm độc, lạ, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tin liên quan
Tin khác