Điểm nóng
Đại án Vạn Thịnh Phát: Hơn 35.000 bị hại cần làm gì để nhận lại quyền lợi?
Việt Dũng - 18/10/2024 17:06
Tòa buộc bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho 35.824 bị hại, với tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng để làm sao lấy lại được tiền thì không phải ai cũng biết.

Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mức án chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Hội đồng xét xử xác định toàn bộ tiền chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng từ hành vi phát hành trái phiếu đều được bà Lan sử dụng vào mục đích cá nhân, nên bà Lan phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho 35.824 bị hại.

Để đảm bảo cho việc thi hành án, tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm. Song, vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là: “Bao giờ các bị hại nhận lại được tiền và cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?”.

Ông Nguyễn Văn T., là một trong nhiều người mua trái phiếu của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng Luật Thanh Niên cho biết, bản án mà Tòa án Nhân dân TP.HCM mới tuyên là cấp sơ thẩm, trong trường hợp có kháng cáo thì bản án chưa có hiệu lực. Vì vậy, những bị hại trong vụ án này chưa thể yêu cầu bồi thường thiệt hại được.

Trong trường hợp bản án có hiệu lực, các bị hại có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự hoặc ủy quyền cho luật sư để yêu cầu thi hành án. Hiện nay, có 3 hình thức yêu cầu thi hành án, đó là: Trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành án; Trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói; Gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện. 

Về thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Luật Thi hành án dân sự. Theo các quy định, bị hại có quyền yêu cầu thi hành án trong thời hạn là 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay, thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. 

Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định trên, đương sự có quyền đề nghị cơ quan thi hành án xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án.

Khi nhận được đơn của đương sự và các tài liệu kèm theo, thủ trưởng cơ quan thi hành án phải xem xét lý do của việc yêu cầu thi hành án quá hạn. Nếu việc yêu cầu thi hành án quá hạn do sự kiện bất khả kháng hoặc gặp trở ngại khách quan thì ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án. 

Trong trường hợp việc yêu cầu thi hành án quá hạn không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, thủ trưởng cơ quan thi hành án không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và không thụ lý đơn yêu cầu thi hành án tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản…

Trước đó, tại phiên tòa ngày (17/10), Hội đồng xét xử cho biết, vụ án này có bị hại với số lượng lớn, cư trú tại 58 tỉnh, thành phố khác nhau. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử đã thông báo xét xử vắng mặt đến các bị hại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, việc xét xử vắng mặt các bị hại không gây trở ngại và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị hại. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án, Hội đồng xét xử đã nhận được nhiều đơn đề nghị của người dân mua trái phiếu của 4 công ty trong vụ án mà chưa được cơ quan cảnh sát điều tra làm việc, nên Hội đồng xét xử đã bổ sung thêm những người này và xác định là bị hại trong vụ án.

Tin liên quan
Tin khác