Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), nơi được xem là "rốn" ngập của TP.HCM đang gánh trên mình hàng chục tòa cao ốc (ảnh: Lê Toàn) |
Sáng 10/7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ hai, với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và giải pháp cho những tháng cuối năm 2020.
Một trong những nội dung mà đại biểu quan tâm là vấn đề chống ngập, đặc biệt là dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe trong đó có việc ào ạt xây nhà cao tầng. Nên việc xây nhà cao tầng không có quy hoạch cụ thể làm cho đô thị bị dồn nén quá nhiều như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
“Khu vực này khi mưa lớn là ngập và phải tăng cường máy bơm, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Còn giải pháp nâng đường thì rất tốn kém mà không hiệu quả”, ông Thắng nói.
Do đó, ông Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí. Đây sẽ là nguồn kinh phí dự phòng để Thành phố giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.
Còn Đại biểu Huỳnh Đăng Linh cho biết, mỗi lần ông tiếp xúc cử tri ở quận Phú Nhuận, Bình Thạnh là cử tri bức xúc về nhà cao tầng gây ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho rằng tất cả hành vi đều theo quy định, phải có hệ số mật độ xây dựng, hạ tầng phải tương thích với quy mô dân số, khu nào cũng đầy đủ, không thể nào làm sai được. Đây là vấn đề nhà nước gánh.
Tuy nhiên, trong điều kiện nhà nước chưa làm được, doanh nghiệp có thể tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông cho Thành phố thì sẽ rất tốt. Ông Hoan cho biết, trong báo cáo tổng kết 5 năm về dự án phát triển nhà ở của Thành phố cho thấy xu hướng phát triển nhà ở cao tầng ở TP.HCM chiếm tỷ lệ cao hơn nhà ở riêng lẻ.
Nói thêm về dự án chống ngập 10.000 tỷ, ông Hoan cho biết, sau 4 năm triển khai, dự án đã hoàn thành khối lượng 85 %. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số chính sách khác đang chờ các quận, huyện giải quyết. Đến cuối tháng 7, hai van chính ở cống Phú Xuân đã được lắp đặt; cuối tháng 8 tới, van ở cống Mương Chuối và cuối tháng 10, toàn hệ thống các van chống ngập sẽ cơ bản được lắp đặt hoàn thiện, đi vào vận hành.
Theo ông Hoan, tốc độ đô thị hóa của thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, tần suất và vũ lượng mưa tăng, đỉnh triều ngày càng cao, lún nền diễn ra nghiêm trọng... trong khi hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp mở rộng nên việc giải quyết tình trạng ngập còn chậm.
Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn chưa như mong muốn, song nhìn nhận khách quan tình trạng ngập nước đã giảm, không nặng như khoảng 7 năm trước. Một số khu vực trước đây ngập rất nặng nhưng hiện đã hết ngập.
Sắp tới, để các giải quyết tình trạng ngập nước, ông Hoan cho biết thành phố sẽ ưu tiên ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng và các công trình cấp bách; huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, các hồ điều tiết.
Đặc biệt, Thành phố đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. Thành phố đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, cụ thể như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên để giảm ngập trong trung tâm thành phố.
"TP.HCM đang hướng đến đô thị sông nước và khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong vùng trung tâm hoàn thành, Thành phố sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan”, ông Hoan nói và cho rằng, mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước với các vùng ven sông, kênh rạch, sẽ dành một phần đất cho ngập tự nhiên.