Thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực số
Việt Nam đang trở thành “cứ điểm” sản xuất công nghệ với sự hiện diện của hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, LG, Intel, Foxconn, Apple… Các “đại gia” này không chỉ đầu tư hàng chục tỷ USD, mà còn có kế hoạch mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Đặc biệt, gần đây, Việt Nam là sự lựa chọn của nhiều hãng hàng đầu thế giới về lĩnh vực bán dẫn. Cùng với đó, không ít “ông lớn” công nghệ đang và sẽ di chuyển, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Ở trong nước, làn sóng chuyển đổi số, kinh tế số hướng tới quốc gia số đang vào giai đoạn tăng tốc. Doanh thu của lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin trong 5 năm qua liên tục tăng trưởng, từ gần 103 tỷ USD (năm 2018), lên 148 tỷ USD (năm 2022). Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam xuất khẩu dịch vụ, sản phẩm ra thế giới ngày càng nhiều… Bởi vậy, lực lượng nhân lực số trên cả nước hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu.
Bà Trương Thiên Kim, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam cho biết, các công ty đang tăng cường tìm kiếm nhân lực công nghệ thông tin có chuyên môn cao và kinh nghiệm để đảm nhận những vị trí quan trọng, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh ngày càng phát triển. Là nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về chuyển đổi số, nên nhu cầu nhân lực công nghệ tăng nhanh.
Báo cáo Thị trường IT (công nghệ thông tin) Việt Nam năm 2023 do TopDev vừa công bố chỉ ra thực trạng, mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể, nhưng dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 700.000 nhân lực công nghệ thông tin (ngành phần mềm), nên mỗi năm sẽ thiếu hụt 150.000 - 200.000 lập trình viên/kỹ sư.
Về chất lượng nguồn nhân lực, mỗi năm có khoảng 50.000 - 57.000 sinh viên ngành IT nhập học, nhưng khi ra trường, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng được yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra; 70% cần được đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3 - 6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, con người vẫn là yếu tố trung tâm của đổi mới, là chủ nhân của mọi không gian sáng tạo. Điều rất đáng lo là, hoài bão “số hóa” thì lớn, nhưng nguồn nhân lực thực hiện lại nhỏ, chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.
“Sự thiếu hụt nhân lực số sẽ làm tuột đi nhiều cơ hội tốt đẹp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Vì vậy, cần có những giải pháp kịp thời, đúng đắn và thực hiện quyết liệt. Nguồn nhân lực số phải đạt trình độ tham gia vào hệ thống chính quyền số, không gian hành chính số để đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội hiện đại, người dân, doanh nghiệp ‘đoạn tuyệt’ với các thủ tục hành chính thủ công”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Giải pháp đại học số
Tại Diễn đàn Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, muốn chuyển đổi số nhanh, phải đào tạo nhân lực và nên lấy hệ thống đại học, trường đào tạo nghề chất lượng cao làm nền tảng.
“Theo tôi, chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ. Đây là vấn đề cần làm rất nhanh, vì muốn đi nhanh, phải đào tạo con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2023, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, cần đồng bộ giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Theo đó, cần nhanh chóng triển khai mô hình giáo dục đại học số; đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước hết, các trường đại học phải mở thêm các ngành đào tạo kỹ sư công nghệ đạt chất lượng. “Chúng ta đang cần rất nhiều kỹ sư công nghệ số để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có lẽ, đại học số và đào tạo lại là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay. Chính phủ nên có quyết sách thật mạnh mẽ về đại học số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn; hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số chinh phục thị trường thế giới, biến Việt Nam thành trung tâm chuyển đổi số toàn cầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực gắn kết giữa doanh nghiệp công nghệ số và các trường đại học; kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển của các đại học quốc gia. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất Chính phủ một số chính sách thí điểm phát triển công nghệ số tại đại học. Ví dụ, Nhà nước đầu tư các phòng thí nghiệm quốc gia rồi giao đại học vận hành. Phòng thí nghiệm hiện đại sẽ là “thỏi nam châm” để thu hút nghiên cứu về các trường đại học.