Đào tạo nhân lực công nghệ tại Khu tổ hợp Đại học và Công viên phần mềm của FPT tại Hòa Lạc |
Bức tranh nhân lực chuyển đổi số
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tổng số nhân lực ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đã đạt mức 1 triệu người. Mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số rơi vào khoảng 65.000 người, nhưng chỉ 60% đáp ứng được yêu cầu công việc.
Còn theo TopDev, số lượng nhân sự CNTT phục vụ hoạt động chuyển đổi số và sản xuất, kinh doanh ngày càng thiếu hụt trầm trọng. Năm 2021, thị trường thiếu hơn 100.000 nhân sự. Đến năm 2022, con số thiếu hụt được dự báo là 150.000, khi nhu cầu tuyển dụng của thị trường lên đến 530.000 người.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC thông tin, nhu cầu về nguồn nhân lực số đang rất cao, nhưng các trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.
“CMC đang hợp tác với Samsung, họ yêu cầu CMC cung ứng hàng ngàn nhân sự. Dù rất nỗ lực, nhưng chúng tôi chỉ hoàn thành được 30% nhu cầu. Thực tế đó cho thấy, chất lượng nhân sự của Việt Nam còn thiếu và yếu. Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường cần đến 1,5 triệu nhân lực CNTT. Chúng ta cần bổ sung một lượng lớn nhân sự đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Chính nói.
Theo tính toán, để thực hiện được quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong cơ cấu nguồn nhân lực thì nhân lực kỹ thuật phải chiếm khoảng 2%. Điều này tương đương với việc phải có được tối thiểu 100.000 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm. Mục tiêu này là khó khả thi, bởi hiện nay toàn bộ 158 trường đại học có đào tạo ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và an toàn thông tin, chỉ có tổng số hơn 80.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm.
Lời giải từ mô hình đại học số
“Lời giải cho bài toán này chính là đại học số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã nêu rõ, lời giải cho nhân lực số ở Việt Nam chính là đại học số. Nếu các trường đại học vẫn làm theo cách cũ sẽ bị giới hạn bởi thiếu giáo viên.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ TT&TT đang xây dựng Đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục đại học số. Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Đề án đại học số do 5 trường chung tay mới chỉ ở mức 50-50, nghĩa là một nửa dạy theo cách cũ và một nửa dạy theo đại học số. Nếu đã thí điểm thì phải 100% dạy theo đại học số thì mới đạt được mục tiêu này.
Ông Nguyễn Trung Chính cũng chia sẻ, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cần thí điểm mô hình đại học số. Giải pháp của Bộ TT&TT về xây dựng thí điểm đại học số sẽ giải quyết bài toán tăng quy mô nhân sự và vẫn đảm bảo chất lượng. Để triển khai đại học số, CMC đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi một số quy chế, quy định như: tăng số học phần đào tạo trực tuyến, tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Bà Đặng Mỹ Châu, Phó tổng giám đốc Viet Lotus khuyến nghị, giải pháp cho đại học số là áp dụng các hình thức chứng chỉ mới. Nên tích hợp các chương trình đã được những tổ chức toàn cầu, chính phủ các nước cũng như doanh nghiệp lớn trên thế giới công nhận. Kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn liền với kế hoạch phát triển doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp đặt hàng và nhà trường đào tạo theo yêu cầu.
“Cần có chiến lược nghiên cứu thị trường, nghiên cứu xu hướng của thị trường, nhu cầu của khách hàng, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế”, bà Châu nói.
Còn GS-TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc khoa học Viện John von Neumann (Đại học Quốc gia TP.HCM) thì cho rằng, đại học số không chỉ là giảng dạy thông qua các ứng dụng hội nghị truyền hình, mà là sự tổng hòa, kết hợp giữa hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, học liệu số, ứng dụng dịch vụ, giảng viên số, sinh viên số. Để xây dựng đại học số, vấn đề đầu tiên cần thay đổi là nội dung giáo dục - đào tạo, sau đó là thay đổi về quy trình vận hành, tức là thay đổi phương pháp dạy và học và cuối cùng là giáo viên - học viên.
“Cốt lõi của việc chuyển đổi số nói chung và đại học số nói riêng không phải là việc dùng CNTT, nâng cấp CNTT, mà chính là thay đổi cách sống, cách làm việc khi dùng CNTT và nơi nào chuyển đổi số thì chính nơi đó phải xây dựng chiến lược, lộ trình thực hiện. Đặc biệt, quá trình triển khai chuyển đổi số cần phải làm tốt trên 3 yếu tố là: con người (nhận thức và năng lực số); thể chế (môi trường pháp lý và định chế), công nghệ (hạ tầng số)”, GS-TSKH. Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.
Có thể thấy, mô hình giáo dục đại học số là một hành trình mới với khá nhiều thách thức. Chính vì vậy, cái chúng ta cần hướng đến không phải là một mô hình đại học số lý tưởng, mà là một mô hình mang tính khát vọng, nhưng thực tế, khả thi, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến năm 2025, hoàn thiện mô hình “Giáo dục đại học số” và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các trường đại học dân lập tham gia thí điểm triển khai mô hình.
Đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến THPT có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.