Tại một cuộc họp với các hãng thông tấn quốc tế về chuỗi cung ứng vào ngày 22/7 tại thành phố Đài Bắc, Lin Der-Sheng, Cục trưởng Cục Phát triển Công nghiệp cho biết, công nghiệp bán dẫn là nền tảng cốt lõi của mọi công nghệ, bao gồm điện toán tiên tiến, hàng không vũ trụ và quốc phòng, và ứng dụng tiêu dùng.
Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chất bán dẫn toàn cầu và dẫn đầu thế giới về quy trình sản xuất tiên tiến và đóng gói 3D. Năm 2023, tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Trong số này, thiết kế chip/ mạch điện tử có giá trị 35,2 tỷ USD và cũng đứng thứ hai, trong khi dịch vụ đúc được định giá 80 tỷ USD, đứng đầu thế giới. Dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn gia công có giá trị 18,7 tỷ USD, cũng đứng đầu.
Ngành y sinh của Đài Loan bao gồm năm phân ngành chính: công nghệ sinh học ứng dụng, dược phẩm, thiết bị y tế, sức khỏe kỹ thuật số và chăm sóc sức khỏe. Tổng doanh thu năm 2023 là khoảng 23,3 tỷ USD.
Họ có thể cung cấp nhiều dịch vụ bao gồm các công nghệ liên ngành với khoảng 2.500 công ty và tổ chức nghiên cứu và phát triển sáng tạo, khoảng 2.600 công ty và cơ sở sản xuất tùy chỉnh và 260 trung tâm và bệnh viện tham gia vào nghiên cứu lâm sàng chất lượng cao.
Trong ngành công nghiệp máy móc công cụ và thiết bị, Đài Loan chủ yếu hướng đến xuất khẩu, nên dễ bị ảnh hưởng bởi các bối cảnh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các sự kiện như xung đột, chiến tranh thương mại và tỷ lệ lạm phát tăng cao đang khiến đơn hàng chậm lại, tác động đến ngành công nghiệp của Đài Loan. Tổng giá trị sản lượng năm ngoái là 3,25 tỷ USD (giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó 70% đến từ xuất khẩu.
Được hưởng lợi từ nhu cầu liên tục tăng đối với các ứng dụng cuối như AI, Internet vạn vật, xe điện, và hàng không vũ trụ, ngành sản xuất máy công cụ ở Đài Loan đang phát triển mạnh, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hệ sinh thái sản xuất xe điện của Đài Loan có công suất dồi dào, đã tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô quốc tế, bao gồm thiết bị điện tử ô tô, hệ thống sạc, hệ thống động cơ và hệ thống thân xe cho ô tô điện, xe buýt điện, và xe đạp điện.
Sản xuất xe đạp của Đài Loan tập trung vào các sản phẩm trung bình đến cao cấp và thị trường xuất khẩu chủ yếu phục vụ mục đích thể thao, giải trí và vận tải ở châu Âu (chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu là 4,3 tỷ USD) và Hoa Kỳ (30%). Tổng sản lượng năm ngoái là gần 6,3 tỷ USD, đứng thứ hai trên toàn thế giới.
Trong ngành dệt may, sản xuất vải sợi là trọng tâm chính với là các loại vải chức năng, Đài Loan là nhà sản xuất sợi polyester và nylon lớn thứ ba thế giới. 70% vải chức năng được các thương hiệu ngoài trời quốc tế tái sử dụng sử dụng có nguồn gốc từ đây.
Đài Loan xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ bảy thế giới vào năm 2022. Với hơn 4.400 nhà sản xuất, Đài Loan đã kiếm được khoảng 10 tỷ USD vào năm 2023, trong đó 6,6 tỷ USD đến từ xuất khẩu.
Lin Der-Sheng, Cục trưởng Cục Phát triển Công nghiệp cho biết: "Chúng tôi đã xác định tầm nhìn để định vị trở thành một nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua sáu ngành công nghiệp chiến lược, và có kế hoạch phát triển thành một đối tác ổn định và đáng tin cậy".
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, sự phát triển của các liên kết công nghiệp của Đài Loan với các chuỗi giá trị toàn cầu đã thay đổi trong nhiều thập kỷ. Vào những năm 1960, cơ cấu công nghiệp là công nghiệp nhẹ và xưởng gia đình, dựa trên lao động giá rẻ với giáo dục bắt buộc.
Đài Loan tập trung vào hóa dầu, nhựa và thép vào những năm 1970 dựa trên việc hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt, rồi dần chuyển sang linh kiện mạch điện tử, vật liệu hóa chất (những năm 1990); công nghiệp bán dẫn, điện tử quang học, máy móc chính xác (từ những năm 2000); và sáu ngành công nghiệp chiến lược cốt lõi kể từ năm 2020.