Vietcombank gần như chắc chắn nhận chuyển giao bắt buộc CBBank |
Rộ làn sóng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu
Sau 7 năm chật vật tìm đối tác tái cơ cấu, năm nay, việc xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CB, OceanBank, GPBank) và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là DongABank có bước tiến lớn. Sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn trong nước, bao gồm cả ngân hàng TMCP quốc doanh và ngân hàng TMCP tư nhân có tiềm lực, đang là cơ hội cho cả hai phía.
Danh tính các thương vụ chuyển giao bắt buộc chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, song nhìn từ động thái của các ngân hàng, có thể thấy, về cơ bản, các thương vụ nhận chuyển giao bắt buộc đã được “chốt sổ”. Việc NHNN vừa nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc càng củng cố thông tin này.
MB là ngân hàng đầu tiên được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém với đối tác khả năng là OceanBank và liên tục xuất hiện trong các hoạt động, sự kiện lớn của OceanBank từ đầu năm đến nay. Trước đó, tháng 5/2022, MB đã ký với Oceanbank thỏa thuận hợp tác chiến lược. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, giữa tháng 10/2022, OceanBank và MB Ageas Life có buổi ký kết thỏa thuận hợp tác.
Thực tế, việc MB tham gia tái cơ cấu OceanBank đã được hé lộ từ đầu năm nay. Cụ thể, ngay tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank đầu năm nay, hai thành viên HĐQT MB đã tham dự và khẳng định, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.
Vietcombank là ngân hàng thứ hai lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Tuy vậy, thương vụ M&A của Vietcombank không chứa đựng yếu tố bất ngờ nào, bởi đối tác nhận chuyển giao bắt buộc gần như chắc chắn là CBBank - ngân hàng yếu kém mà Vietcombank được giao nhiệm vụ hỗ trợ từ năm 2015.
Hai trường hợp khiến dư luận khá bất ngờ là VPBank và HDBank.
Tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm nay, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho hay, VPBank đang nghiên cứu tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Danh tính ngân hàng được VPBank nhận chuyển giao bắt buộc sau đó được hé lộ là GPBank. Đồn đoán này là có cơ sở, bởi tại Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Ban lãnh đạo, quản lý GPBank tháng 9/2022, một loạt lãnh đạo VPBank đã tham dự.
Trường hợp ngân hàng yếu kém còn lại - DongABank - dự đoán được chuyển giao bắt buộc cho HDBank. Tháng 8/2022, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông và được cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank tự hào cho hay, không nhiều tổ chức tín dụng được các cấp có thẩm quyền lựa chọn tham gia chương trình này. Việc HDBank được lựa chọn cho thấy sự tin tưởng của cơ quan chức năng đối với năng lực, kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc của HDBank, cũng như đánh giá cao phương án tái cơ cấu HDBank đã chuẩn bị cho trọng trách này.
Trước khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lần này, HDBank đã có nhiều kinh nghiệm M&A: sáp nhập Đại Á Bank, mua lại Công ty tài chính Societe Viet Finance - SGVF (công ty 100% vốn nước ngoài, tiền thân của Công ty Tài chính TNHH HD SAISON ngày nay).
Trong các thương vụ chuyển giao bắt buộc trên, sự tham gia của VietinBank vẫn là một bí ẩn. Năm 2015, VietinBank được NHNN yêu cầu cử nhân sự tham gia quản lý, điều hành OceanBank và GPBank. Hiện tại, VietinBank vẫn chưa có động thái nào về việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu. Mặc dù vậy, các chủ tịch HĐTV của OceanBank và GPBank đều là người do VietinBank điều sang.
M&A ngân hàng kiểu mới: Cơ hội từ dòng tiền tươi và sự đổi mới cơ chế
Điểm chung của tất cả thương vụ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lần này là hình thức M&A khác hoàn toàn so với giai đoạn trước. Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty con (mô hình mẹ - con). Ngân hàng yếu được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Các ngân hàng “con” được nhận chuyển giao bắt buộc có pháp nhân độc lập với ngân hàng nhận chuyển giao, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.
Với sự tham gia của các ngân hàng lớn giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu sẽ được tiếp cận nguồn tiền tươi, cũng như tăng cơ hội cho vay, bán chéo sản phẩm, đổi mới năng lực quản trị… Nhìn vào năng lực tiền tươi, các ngân hàng tham gia M&A ngân hàng yếu kém lần này đều có nền tảng tài chính vững mạnh. Tuy vậy, tiến độ góp vốn hoặc cách thức tưới dòng vốn vào các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc là không giống nhau.
HDBank cho biết, dự kiến góp vốn điều lệ với giá trị không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tại thời điểm chuyển giao bắt buộc. Ngoài ra, Ngân hàng cũng có thể tiếp tục góp vốn theo lộ trình tái cơ cấu.
Trong khi đó, lãnh đạo Vietcombank cho biết, sẽ không bỏ tiền ra mua hàng chuyển giao bắt buộc. “Vietcombank không góp vốn vào tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức tín dụng còn lỗ lũy kế. Vietcombank không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của tổ chức tín dụng trong thời gian thực hiện phương án”, Chủ tịch Vietcombank khẳng định.
Với MB, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT cho hay, mức giá nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu là 0 đồng, nhưng ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Để giải quyết số nợ lũy kế này, NHNN sẽ cho MB vay một khoản tiền lãi suất 0%.
Quá trình xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc ước có thể kéo dài 7-10 năm. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn chưa sinh lời này, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc vẫn có những “phần thưởng” hấp dẫn, như được nới thêm room tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới…
Lãnh đạo Vietcombank cho hay, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Ngân hàng đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung, dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ lũy kế. Ngoài ra, NHNN có thể không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu Ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; được để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn…
Do M&A theo mô hình mẹ - con, việc xử lý các ngân hàng phải chuyển giao bắt buộc sau khi hết lỗ vẫn còn để ngỏ. Ba phương án đang được các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tính tới bao gồm: sáp nhập ngân hàng mẹ để tăng quy mô tổng tài sản và thị phần, bán cho nhà đầu tư khác, thành lập một ngân hàng TMCP riêng và IPO.
Dù làn sóng M&A ngân hàng yếu mới chỉ ở giai đoạn đầu, song sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng lớn, hệ thống ngân hàng đang có sự khởi động đáng mừng trong việc triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém luôn được dư luận quan tâm. Báo cáo Chính phủ và Quốc hội, NHNN luôn cho biết, nhiều năm qua, đã tích cực đàm phán với các đối tác trong và ngoài nước. Tuy vậy, mãi đến nay, khi nút thắt cơ chế được tháo gỡ, NHNN mới có thể thu hút được các ngân hàng mạnh tham gia M&A ngân hàng yếu kém.