Cần hoàn thiện khung pháp lý vì điện gió ngoài khơi có quy trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ. Ảnh: Đ.T |
8 năm cho dự án điện gió ngoài khơi
Tại Hội thảo “Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam” gần đây, ông Aisma Vitina, Cố vấn của Cục Năng lượng Đan Mạch cho hay, mỗi dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện trung bình khoảng 8 năm, từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn thành.
Với mục tiêu có 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang đặt ra, các chuyên gia cho rằng, đây là thách thức bởi từ nay đến năm 2030 còn 8 năm, nhưng mọi chính sách “vẫn chưa rõ ràng”.
Chia sẻ thực tế trên, ông Stuart Livesay, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió La Gàn nhận xét, mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 7.000 MW, nhưng triển khai thế nào, lộ trình, hợp đồng mua bán điện ra sao thì chưa rõ ràng.
Ngoài lo lắng “nếu không có sự đảm bảo nhất định, sẽ rất khó để thực hiện”, nhà đầu tư trên cũng chia sẻ mối quan ngại về câu chuyện “liệu khi dự án hoàn thiện, lưới điện có sẵn sàng để truyền tải công suất, truyền tải được bao nhiêu..., bởi yêu cầu đầu tư lưới điện để đáp ứng truyền tải nguồn điện này đến năm 2030 cần con số lớn”.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), các công việc cần làm để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi giờ đây là Quy hoạch Điện VIII sớm được phê duyệt (Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch). Sau đó, Bộ Công thương còn chuẩn bị kế hoạch thực hiện…, nếu kế hoạch triển khai chậm, sẽ làm giảm hiệu quả của Quy hoạch.
“Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện khung pháp lý vì điện gió ngoài khơi có quy trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ. Cụ thể, nếu phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn”, ông Hùng nói và cho hay, ngoài quy hoạch điện, cần có quy hoạch không gian biển, rồi các vấn đề liên quan các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng cũng cần quy trình xử lý rõ ràng”.
Điểm nữa là trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện chưa xác định rõ tên dự án điện gió ngoài khơi cụ thể. Vì vậy, hệ thống truyền tải tương ứng sẽ có những thách thức khi đặt ra yêu cầu đồng bộ với nhà máy.
Trên thực tế, hiện có khoảng 50 dự án truyền tải được ngành điện đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện, nhưng đã 2 năm trôi qua vẫn chưa có quyết định. Đó là chưa kể, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng của một dự án truyền tải mất ít nhất 300 ngày (không tính thời gian cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công đào móng..., hay phê duyệt dự án).
Đằng đẵng dự án điện lớn
Trên thực tế, các dự án điện mặt trời và điện gió được triển khai thần tốc thời gian qua (thậm chí có dự án điện mặt trời 6 tháng đã hoàn tất thi công) là nhờ triệt để tận dụng quy định giá điện được công bố, nên không mất thời gian đàm phán các hợp đồng liên quan, cũng như các vấn đề về đấu nối, truyền tải. Trong khi đó, các dự án nguồn điện khác thường có thời gian triển khai rất lâu.
Đơn cử, Dự án Thủy điện Hồi Xuân công suất 102 MW, được nhà đầu tư là Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam khởi công xây dựng từ tháng 3/2010. Đến năm 2015, Dự án được chuyển giao cho chủ đầu tư mới và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ). Dự án khởi công lại vào tháng 2/2017, dự kiến có thể sớm thu xếp được vốn và thi công trở lại trong quý II/2022, phấn đấu phát điện các tổ máy vào cuối năm 2022.
Ở cấp quy mô lớn hơn và có dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài, phải kể tới các dự án điện BOT. Ngày 1/3/2024, Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 (716 MW) sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn 20 năm vận hành theo hợp đồng. Song chặng đường để đi tới thời điểm chính thức vận hành thương mại nhà máy vào ngày 1/3/2004 khá gian truân.
Cụ thể, Báo cáo số 14/BC-CP (ngày 26/2/2007) về tổng kết công trình quan trọng quốc gia khí - điện - đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu của Chính phủ có liệt kê, tháng 11/1987, một đề xuất cho Dự án tổ hợp điện - đạm đã được trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét. Tháng 3/1995, Dự án được Chính phủ cho phép tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Tháng 10/1995, bản ghi nhớ đã được ký kết với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Tháng 12/1998, Bộ Công nghiệp đã chính thức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Phú Mỹ 3. Ngày 8/5/2001, Dự án điện Phú Mỹ 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hợp đồng BOT và các tài liệu dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức cấp Giấy phép đầu tư số 2204/GP ngày 22/5/2001. Giai đoạn triển khai Dự án cũng rất nhanh khi ngày 15/6/2001 bắt đầu san lấp mặt bằng, ngày 29/11/2001 tiến hành động thổ xây dựng nhà máy và vận hành thương mại từ ngày 1/3/2004.
Cũng có thể lấy Dự án nhiệt điện Kiên Lương được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu) năm 2009 làm ví dụ. Hiện dự án chưa xong bất kỳ hợp đồng nào để bước sang giai đoạn đầu tư trên thực địa.
Một ví dụ khác là Dự án điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW. Sau khi ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư, Dự án đã được UBND tỉnh đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện hồi tháng 7/2018, với kế hoạch khởi công vào năm 2020 và đưa tổ máy đầu tiên hoạt động trong năm 2024.
Hiện Dự án chưa có lịch khởi công chính thức bởi có nhiều đề nghị táo bạo chưa có tiền lệ được nhà đầu tư đưa ra và các cơ quan hữu trách liên quan chưa có phương án giải quyết cụ thể. Điều này đồng nghĩa, nếu không có cơ chế đặc biệt, thì quá trình triển khai dự án chắc chắn còn nhiều gian truân và chưa định được ngày cuốc đất trên thực địa.