Tại Hội thảo Lộ trình hiện thực hoá điện gió ngoài khơi tại Việt Nam diễn ra sáng 9/6/2022 tại Hà Nội, ông Mark Hutchison, đại diện Hiệp hội Gió toàn cầu (GWEC) cho hay, nếu Việt Nam chuyển thẳng sang đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi thì phải tới năm 2030, dự án đầu tiên mới có thể triển khai được. Như vậy sẽ khó đáp ứng được mục tiêu có 7.000 MW đầu tiên vận hành được vào năm 2030.
Bởi vậy, lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu song song với xây dựng cơ chế đấu thầu chọn nhà phát triển điện gió ngoài khơi ở thời điểm hiện nay được các nhà đầu tư cho là giải pháp tốt để hiện thực hoá được mục tiêu về công suất đặt về điện gió ngoài khơi trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group nhận xét, nên xem xét, thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện chính sách đấu thầu, đấu giá. Giai đoạn chuyển tiếp là thực hiện theo biểu giá điện cố định (FIT) phù hợp với điều kiện của Việt Nam và áp dụng cho 7.000 MW đầu tiên thực hiện trong giai đoạn đến 2030.
“Đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Do vậy, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn Nhà đầu tư (không qua đấu thầu), trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được về năng lực, kinh nghiệm, tài chính... đảm bảo rút ngắn giai đoạn lựa chọn Nhà đầu tư, các dự án có thể sớm được triển khai, vận hành trước 2030”, bà Bình nói.
Đại diện T&T Group cũng cho nhận xét, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến của điện gió ngoài khơi mà chưa có phân bổ theo địa phương. Tuy nhiên, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công thương sẽ còn tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư.
“Một dự án điện gió ngoài khơi thường đề xuất có quy mô công suất lớn (từ 2.000 - 5.000 MW) và sẽ được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn phù hợp với khả năng hấp thụ, truyền tải công suất. Giai đoạn đầu thường đề xuất phát triển với công suất trung bình khoảng trên dưới 1.000 MW. Với quy mô này, cần tổng thời gian từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến vận hành thương mại sẽ mất khoảng từ 6 -8 năm. Nay, đã chuẩn bị bước sang quý III/2022, như vậy chỉ còn khoảng 8 năm đến năm 2030. Do vậy, nếu việc phê duyệt quy hoạch, lựạ chọn dự án, lựa chọn Nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi không sớm được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục thì mục tiêu 7.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi”, đại diện T&T Group nói.
Ngoài ra, lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án điện gió ngoài khơi cho đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là quy định như thế nào được gọi là dự án điện gió ngoài khơi khi đối chiếu giữa Quyết định số 39/2019/QĐ-TTg (chỉ đưa ra quy định điện gió trên bờ và ngoài khơi) trong khi Dự thảo Quy hoạch điện VIII (đề cập đến điện gió trên bờ, gần bờ và điện gió ngoài khơi).
Cạnh đó, cơ chế đấu thầu (đấu giá) đang được đề xuất dự kiến sẽ áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo được các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi cho là nếu áp dụng ngay cho điện gió ngoài khơi có thể sẽ có nhiều rủi ro và hệ lụy cho cả các nhà đầu tư “thực sự” lẫn mục tiêu phát triển của Quy hoạch điện VIII cần đạt.
Lý do là bởi điện gió ngoài khơi là ngành công nghiệp hiện đại lại là lĩnh vực đầu tư còn rất mới mẻ đối với Việt Nam trong khi có thể một số nhà đầu tư chỉ muốn tới “phát triển dự án”. Việc tham gia thầu/bỏ giá thầu trong trường hợp này có thể dẫn đến nhiễu và sau đó là bỏ thầu.
Điện gió ngoài khơi thuộc nhóm các dự án cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (cảng, kho chứa), sử dụng công nghệ cao (móng sâu, tua bin công suất lớn, tháp gió cao, vận hành trong môi trường nước mặn), và thường có quy mô công suất lớn đòi hỏi các nhà đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật.
Do vậy, cần có các quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư ngay từ bước chấp thuận chủ trương khảo sát, đảm bảo các nhà đầu tư có năng lực thực sự được lựa chọn, có thể đầu tư, vận hành nhà máy đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Dẫu vậy, kết quả của nhóm tư vấn được tài trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam mới đây cũng đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi.
Cụ thể, hiện các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay cũng chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chịu 5 rủi ro và Chính phủ cũng có 2 rủi ro.
Các rủi ro này cũng được chia theo quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Đơn cử như trong giai đoạn chuẩn bị dự án, các nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro dự án bao gồm: rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép (bao gồm cả giấy phép khảo sát) và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; rủi ro tài nguyên gió; rủi ro thiết kế kỹ thuật; rủi ro huy động vốn.
Trong giai đoạn đầu tư, các nhà đầu tư và các bên cho vay cũng chia sẻ phần lớn rủi ro dự án. Các nhà đầu tư, các bên cho vay và EVN cũng chia sẻ rủi ro thoái vốn (và thay đổi quyền kiểm soát). Chính phủ chia sẻ một phần rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Tới giai đoạn vận hành, cơ chế phân bổ rủi ro cũng tương tự giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, EVN chia sẻ với các nhà đầu tư và các bên cho vay rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; rủi ro về giải quyết tranh chấp và rủi ro về bất khả kháng.
Trong giai đoạn kết thúc, hoàn trả mặt bằng, mặc dù các nhà đầu tư có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phù hợp khi hoàn trả khu vực biển được giao, tuy nhiên Chính phủ chịu phần lớn rủi ro còn lại liên quan đến việc hoàn trả mặt bằng nếu các nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ nêu trên.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nghiên cứu cũng cho rằng, Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng; do vậy, cần cân nhắc thực hiện các hành động sau đây nhằm giải quyết các mối quan ngại của các nhà đầu tư cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro của họ liên quan đến việc phát triển và tài trợ vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Cụ thể là cải thiện khả năng huy động vốn của Hợp đồng mua bán điện bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế (trên cơ sở tham chiếu kinh nghiệm của Vương quốc Anh). Tiếp đó là xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi cũng được đặt ra và vấn đề tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện và Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi.