Đồ họa: Đan Nguyễn |
Điện gió gần bờ tác động xấu tới môi trường
Báo cáo Lộ trình phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi do WB thực hiện vừa hoàn tất. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 10/2020 và theo đề nghị hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
Theo đánh giá của WB, đến năm 2035, sẽ có khoảng 450 tua-bin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam, được lắp đặt trong khoảng 10 trang trại gió ngoài khơi móng cố định và một hoặc hai trang trại gió móng nổi.
Bên cạnh đó, dựa trên các kế hoạch hiện tại, sẽ có khoảng 30 trang trại điện gió gần bờ nhỏ sử dụng tua-bin nhỏ hơn. Tuy nhiên, một số dự án gần bờ này có thể không được tiến hành do rủi ro về tác động xấu đến môi trường và xã hội trong khu vực gần bờ.
Theo Báo cáo, các dự án điện gió gần bờ là dự án mà trang trại gió rất gần bờ (cách bờ 3 hải lý, tương đương 5,5 km) và có thể tiếp cận trực tiếp từ đất liền. Móng của tua-bin gió trong các dự án này thường là cọc có nắp bằng bê tông, tua-bin được sử dụng là tua-bin gió vốn dùng trên bờ, nhưng với thay đổi nhỏ. Việc lắp đặt tua-bin thường sử dụng sà lan đơn giản và tiến hành ở những vùng nước nông, lặng sóng.
Những dự án như vậy cũng được coi là bước đệm giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi và Việt Nam đã sớm thiết lập một danh sách các dự án như vậy, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Tuy nhiên, việc phát triển điện gió ở các khu vực gần bờ này có nguy cơ cao gây ra tác động xấu đến môi trường và xã hội, vì một số lý do. Đó là sự hiện diện của các loài động vật nằm trong Sách Đỏ ở các vùng ven biển; việc các khu vực này gần với các môi trường sống được bảo vệ hoặc nhạy cảm; tác động tiềm tàng đến động lực trầm tích ven biển; tác động tiềm tàng đến các cộng đồng ven biển, đặc biệt là đối với sinh kế của những người đánh bắt tận thu”, Báo cáo viết.
Cũng theo đánh giá này, các dự án điện gió gần bờ nằm gần các khu vực đa dạng sinh học trọng điểm, khu vực môi trường sống quan trọng hoặc nhạy cảm của động vật hoang dã sẽ khó đáp ứng các tiêu chuẩn của các quỹ quốc tế, thường tuân theo tiêu chuẩn môi trường và xã hội của WB.
Để tránh hoặc quản lý những tác động này, cần phải hoàn thành quy hoạch không gian biển hiệu quả ngay từ đầu. Các đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) cụ thể cho từng dự án sẽ được yêu cầu để thu thập dữ liệu cơ bản và xác định các biện pháp thích hợp để tránh, giảm thiểu và bù đắp cho các tác động liên quan đến dự án.
Làm nhiều giá tốt
Báo cáo cũng đánh giá, chi phí năng lượng của các dự án gió ngoài khơi đầu tiên sẽ cao do rủi ro liên quan đến thị trường mới và việc thiếu năng lực chuỗi cung ứng địa phương, dự kiến nằm trong khoảng 150-200 USD/MWh.
Kinh nghiệm từ các thị trường khác cho thấy, chi phí năng lượng giảm nhanh chóng khi nhiều dự án được xây dựng hơn, rủi ro giảm và năng lực địa phương tăng lên. Chi phí này có thể giảm còn 80-90 USD/MWh vào năm 2030 và 60-70 USD/MWh vào năm 2035.
Việc giảm chi phí trên là nhờ sử dụng các tua-bin lớn ngoài khơi với các rô-to được thiết kế cho các khu vực gió có tốc độ thấp hơn, giảm chi phí vốn do giảm rủi ro và có được nguồn tài chính lớn sẵn sàng đầu tư và tăng trưởng trong nguồn cung trong nước và khu vực, nâng cao năng lực và cạnh tranh, được thúc đẩy bởi quy mô và độ tin cậy của thị trường.
Phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ (SWOT) đối với Việt Nam khi áp dụng kịch bản thấp cũng cho thấy, quy mô thị trường sẽ không thu hút được nhiều quan tâm của các đơn vị phát triển quốc tế cũng như sẽ không duy trì được sự cạnh tranh trong nước đủ để có thể cạnh tranh về cung ứng cũng như sản xuất móng.
Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao hơn 23% so với kịch bản tăng trưởng cao và chi phí ròng lũy kế cao hơn 2,5 lần cho 47% điện năng vào năm 2035. Đặc biệt, Chính phủ phải làm cùng một khối lượng công việc để tạo ra 27% khối lượng việc làm và tổng giá trị gia tăng (GVA) so với kịch bản tăng trưởng cao vào năm 2035. Đồng thời, việc này cũng sẽ phụ thuộc quá nhiều vào các dự án điện gió gần bờ có tác động môi trường và xã hội cao.
Ở kịch bản tăng trưởng thấp, thách thức với Việt Nam còn là chuỗi cung ứng trong khu vực chắc chắn được thiết lập nhiều hơn ở các thị trường Đông Á và Đông Nam Á khác, dẫn tới nhập khẩu nhiều hơn; các đơn vị cung cấp tua-bin gió toàn cầu sẽ ít khả năng phát triển loại tua-bin gió tốc độ thấp phù hợp với thị trường Việt Nam, vốn là nhân tố chính để giảm chi phí năng lượng.
Trong trường hợp không có hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng của Chính phủ đối với đánh giá tác động môi trường và xã hội, lựa chọn địa điểm và phát triển các dự án ban đầu không tốt, trong đó có các dự án điện gió gần bờ, có thể dẫn đến các tác động bất lợi về môi trường và xã hội, làm tổn hại đến uy tín của ngành, làm chậm các cơ hội đầu tư từ nước ngoài và triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, so với kịch bản tăng trưởng thấp, kịch bản tăng trưởng cao sẽ giúp giảm chi phí nhanh hơn, tới 20% chi phí năng lượng quy đổi (LCOE) vào năm 2035; tăng gần 4 lần số lượng việc làm địa phương và giá trị gia tăng cho nền kinh tế, giảm hơn một nửa chi phí ròng cho người tiêu dùng.
Kinh nghiệm tại các thị trường điện gió ngoài khơi đi trước cho thấy, các mục tiêu dài hạn, đầy tham vọng có thể là nền tảng cho sự phát triển của ngành. Kết quả của lộ trình này cho thấy, mục tiêu 10 GW vào năm 2030 và 25 GW vào năm 2035 có thể sẽ hoàn thành. Đồng thời, hệ quả của việc tăng trưởng cao hơn là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội cao hơn. Điều này càng đặt ra tầm quan trọng lớn hơn đối với nhu cầu xây dựng quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường trước khi ban hành hợp đồng thuê biển.