Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016- 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng Đông Nam Bộ đạt 7,71%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,5%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) thực hiện trong năm 2018 của vùng Đông Nam Bộ là 5.289 USD/người, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 2.217 USD/người. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh ước đạt 5.997 USD/người, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là 5.959 USD/người, Cần Thơ là 3.830 USD, Long An là 3.225 USD...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Quang Mạnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Phú Khởi. |
Về cơ cấu kinh tế, trong giai đoạn 2016- 2018, trong cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, nông nghiệp chiếm 4,41%; công nghiệp- xây dựng chiếm 38,17%; dịch vụ chiếm 46,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp là 11,02%. Tương tự, trong cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL, nông nghiệp chiếm 28,46%; công nghiệp- xây dựng chiếm 26,54%; dịch vụ chiếm 42,12%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp là 2,88%.
Về thu ngân sách trên địa bàn thực hiện trong giai đoạn 2016- 2018, vùng Đông Nam Bộ đạt 1.639.215 tỷ đồng, đóng góp trên 50% thu ngân sách cả nước và đóng góp trên 35% GDP cả nước (có 4 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng là: TP. HCM 18%, Bình Dương 36%, Đồng Nai 47%, Bà Rịa- Vũng Tàu 64%); vùng ĐBSCL đạt 243.223,3 tỷ đồng, đóng góp 18% GDP cả nước, trong vùng này chỉ có TP. Cần Thơ có tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương (91%).
Về giá trị xuất khẩu hàng hóa, trong giai đoạn 2016- 2018, vùng Đông Nam Bộ đạt kim ngạch xuất khẩu 262,7 tỷ USD, vùng ĐBSCL chỉ đạt 45,8 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2018, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được kết quả nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; ngành công nghiệp phát triển nhanh, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung; luôn duy trì phát huy vai trò đầu tàu phát triển công nghiệp của cả nước...
Tuy nhiên, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ dù có sự chuyển biến đúng định hướng nhưng hàm lượng giá trị giá tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, sức cạnh tranh còn hạn chế; sản xuất công nghiệp phát triển chưa bền vững, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm dẫn đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu...
Còn vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá; hệ thống kết cấu hạ tầng đã có nhiều chuyển biến; các tỉnh trong vùng luôn có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thiếu tính bền vững, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân của cả nước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 4/6 vùng của cả nước...
Tại Hội nghị này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin về những nội dung cơ bản Luật Đầu tư công sửa đổi; Những nội dung cơ bản, những việc cần phải làm liên quan Luật Quy hoạch; Về lập kế hoạch trên hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Tiếp theo đó là phần thảo luận của các đại biểu về các nội dung trên.