Đầu tư
Danh mục M&A sẽ nối dài trong những năm tiếp theo
Hữu Tuấn - 10/12/2021 10:16
“Chuyến tàu” mua bán - sáp nhập (M&A) năm 2022 sẽ tiếp tục mang các “cựu binh” như tài chính, tiêu dùng, bất động sản, cùng các “tân binh” như năng lượng, công nghệ, môi trường… cập bến.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn đều đánh giá lạc quan về thị trường M&A Việt Nam năm 2022. Ảnh: L.T


“Lót ổ” chờ đón thương vụ M&A

Ngày 9/12, Diễn đàn M&A doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 13 - năm 2021 do Báo Đầu tư tổ chức đã diễn ra với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của 10 diễn giả và hàng chục ngàn lượt theo dõi.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD. Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và tăng 13,7% so với năm trước dịch (2019).

Năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hội nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng.

Ở trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều đang bị tiêu hao. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát một cách cơ bản để mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trở lại; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu cũng là những thách thức lớn…

Những con số đó cho thấy, M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn và các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức nhận định, năm 2022, chúng ta cũng trông đợi sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là các nền kinh tế đối tác của Việt Nam; sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á, mà ở đó, Việt Nam luôn là một địa chỉ được nhấn mạnh. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UVFTA… sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp quyết liệt để ổn định, phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, trên quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Chính phủ cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 với quy mô đủ lớn, tác động trên diện đủ rộng và thời gian đủ dài để trình Quốc hội xem xét trong phiên họp chuyên đề đặc biệt dự kiến vào cuối tháng 12/2021.

“Đó là những cơ sở để chúng ta kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra cho cộng đồng đầu tư - kinh doanh trong năm 2022, bên cạnh yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và đặc biệt là tốc độ tiêm phủ vắc-xin đang tăng nhanh”, ông Lê Trọng Minh nhận xét.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023”. Đây là chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...

“Sau khi Chương trình được thông qua và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022, sẽ góp phần quan trọng để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Mới đây, Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng đã được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước…

Đây cũng sẽ là một động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho kinh tế phục hồi và tăng tốc”, ông Trần Quốc Phương cho biết.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, như kết cấu hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nhân lực… để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Sau khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ được thành lập năm 2020, các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, cũng đã được ban hành, tạo thuận lợi để thu hút dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược.

Hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.

Ở góc độ doanh nghiệp, sau 2 năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến bật tăng mạnh trong thời gian tới…

“Tôi tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng.

Những ngành hàng nào sẽ bùng nổ?

Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã đi sâu phân tích về các ngành nghề triển vọng, thu hút được sự quan tâm và dự kiến nhận nguồn vốn lớn trong năm 2022.

Dẫn báo cáo M&A “Cơ hội trong thị trường bùng nổ”, ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, tiêu dùng, tài chính và bất động sản đang là các ngành thu hút nhiều thương vụ M&A nhất trong 3 năm gần đây, chiếm 55-60% tổng giá trị giao dịch. Nhiều khả năng, xu thế này sẽ tiếp tục trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các ngành này hưởng lợi lớn từ nhu cầu cao về nhà ở, dịch vụ tài chính và các hàng hóa tiện lợi, thúc đẩy bởi số lượng dân số đông, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Điển hình cho xu hướng này là các thương vụ lớn trong năm 2021 như Sumitomo Mitsui đầu tư 1,3 tỷ USD vào FE Credit, Quỹ SK South East Asia đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce và Baring cùng Alibaba đầu tư 400 triệu USD.

Đồng quan điểm, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cho rằng, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế đang nhìn vào thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, như một thị trường đầu tư dài hạn. Các lĩnh vực mà họ quan tâm là tài chính, tiêu dùng, công nghệ, logistics… Dù có khó khăn về giao kết, thẩm định, song giao dịch vẫn xảy ra phổ biến vì thị trường Việt Nam rất tiềm năng; Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thích nghi, ứng phó, học nhanh - phản hồi nhanh với hoàn cảnh; những cải cách pháp lý; các FTA sắp có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu, giao hàng xuyên biên giới, nới room để các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam.

“Một lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng là năng lượng - một ngành đòi hỏi nguồn đầu tư lớn. Năng lượng là ngành có nhiều quy định, thủ tục, chính sách… nên nhà đầu tư mong muốn có sự minh bạch, rõ ràng trong chính sách tín dụng, hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân và cả tổ chức tài chính - ngân hàng”, bà Duyên nói.

Từ Nhật Bản, tham dự Diễn đàn qua hình thức trực tuyến, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation, kiêm Tổng giám đốc RECOF Việt Nam chia sẻ rằng, trong nhiều năm gần đây, RECOF ghi nhận Việt Nam luôn nằm trong Top 2 của ASEAN về M&A, cùng với Singapore. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trong các thị trường M&A của Nhật Bản.

Hiện tại, Nhật Bản đang gấp rút tìm kiếm thị trường ngoài Nhật Bản. Nguồn vốn khủng 2.180 tỷ USD tiền gửi ngân hàng tại Nhật Bản đang tìm kiếm các thị trường tiềm năng để đầu tư và Việt Nam luôn nằm trong danh sách ưu tiên.

Các ngành mà doanh nghiệp ưa thích được ông “Sam” Yoshida kể ra như bất động sản, tài chính, tiêu dùng… sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam cũng khẳng định, ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng chưa từng ngừng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2022 và các năm tiếp theo, danh mục sẽ nối dài bởi các ngành như năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông. Ngoài ra, môi trường cũng là lĩnh vực rất hấp dẫn, khi Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế về môi trường.

“Chúng tôi có nhiều nhà đầu tư mong muốn thực hiện thương vụ tại Việt Nam, dù đối mặt với khá nhiều khó khăn. Các thương vụ nhỏ thì nhanh hơn, còn với thương vụ lớn, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thường cẩn trọng hơn, họ vẫn muốn đến thăm thị trường, gặp nhà đầu tư, tìm hiểu kỹ hơn trước khi quyết định. Các nhà đầu tư của chúng tôi vẫn có niềm tin rất lớn vào thị trường Việt Nam. Nhiều thương vụ phải chờ tới năm 2022 mới có thể hoàn thành”, ông Lâm chia sẻ.

Một ngành mà ông Seck Yee Chung, Luật sư hợp danh, Công ty Luật Baker & McKenzie lưu ý các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm là công nghệ. Năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi về khung pháp lý của nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại điện tử, Chính phủ sẽ xác định việc tham gia sở hữu các công ty thương mại điện tử, nên các nhà đầu tư nước ngoài cần phải được phê duyệt và chấp nhận một tỷ lệ cổ phần. Hay như sự phát triển của công nghệ 5G tại Việt Nam sẽ làm xuất hiện các ngành mới, cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh cũng như M&A.

Có thể thấy, bên cạnh rất nhiều thách thức, thì Covid-19 cũng tạo không ít cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Với những thay đổi về chính sách đầu tư, tư tưởng mở rộng trong hội nhập quốc tế cùng với uy tín hiện có, hy vọng rằng, thị trường M&A Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ bùng nổ, tiếp tục chứng kiến những thương vụ lớn.

“Chúng tôi nhận thấy, các lĩnh vực như tài chính, fintech, tài chính, logistics là những mảng kinh doanh rất lạc quan, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khi năm 2022, nền kinh tế Việt Nam nóng lên. Nhóm ngành này sẽ phải củng cố lại dịch vụ, khách hàng, thị phần. Các lĩnh vực gặp khó khăn khi Covid-19 bùng phát như bán lẻ, giải trí, du lịch trong năm 2022 sẽ phải tái cấu trúc hoạt động, cân đối tài chính hoặc lấy lại thị phần. Nhóm ngành này sẽ diễn ra nhiều hoạt động M&A sôi động”.

- Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia
Tin liên quan
Tin khác