Dự án - quy hoạch
Đánh thức dự án bị “sa lầy”
Gia Huy - 11/06/2017 20:05
“Cơn sóng” suy thoái những năm 2010 - 2011 đã để lại hậu quả là hàng trăm dự án sa lầy, “đắp chiếu” tại TP.HCM và cho đến gần đây mới tìm được lối thoát nhờ sự xuất hiện của những nhà đầu tư có tiềm lực.

Dự án "tỉnh giấc" nửa đầu năm 2017

Mới đây, thị trường địa ốc như “nóng” hơn với câu chuyện “hồi sinh” Dự án Kenton Node của Công ty Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên tại vị trí cửa ngõ phía Nam Sài Gòn. Dự án được triển khai từ năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011, nhưng sau khi khởi công đã bất ngờ ngừng triển khai. Gần đây, Dự án này được công bố khởi động trở lại sau khi được bổ sung khoản tín dụng 1.060 tỷ đồng. Sau khi tái khởi động, Dự án điều chỉnh thành 1.683 căn hộ cao cấp, gần 300 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, khu lưu trú,  trung tâm mua sắm…

.
Các doanh nghiệp nội đang dẫn dắt thị trường bất động sản thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A)

Trước đó, Dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa - Quận 7 của Tập đoàn Vạn Phát Hưng đã chính thức được được An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) mua lại với giá 3.500 tỷ đồng và tiến hành tái khởi động dự án đã bị đắp chiếu từ năm 2013. Đại diện An Gia Investment, ông Lương Sĩ Khoa, Phó chủ tịch HĐQT cho biết: “Sau khi mua lại các dự án, chúng tôi sẽ khai thác triệt để lợi thế vị trí, cải tiến thiết kế, gia tăng tiện ích, điều chỉnh mức giá, đồng thời đưa ra những chiến lược tiếp cận khách hàng và bán hàng hiệu quả”.

Tại khu Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), không ít dự án “đắp chiếu” nhiều năm cũng đã bắt đầu “hồi sinh”. Có thể kể đến Dự án Trung Hiếu, do Công ty Trung Hiếu làm chủ đầu tư, với 45 căn biệt thự song lập khép kín theo phong cách châu Âu bị dừng thi công nhiều năm, nay tiếp tục  hoàn thiện để giao nhà cho khách hàng. Hay như khu biệt thự hàng trăm căn mới được xây thô từ vài năm trước của Tập đoàn Hà Đô cũng bắt đầu thi công trở lại và có người về sinh sống.

Nằm ở khu đất vàng giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), Dự án Saigon One Tower do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư ban đầu là 256 triệu USD, được khởi công từ năm 2007 và dù đã được xây dựng đến 80%, nhưng đã bị dừng thi công từ năm 2011. Gần đây, có thông tin Saigon One Tower đã “về tay” Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Alpha King, đồng thời Tập đoàn Kiến trúc RSP (Singapore) đang lên kế hoạch xây dựng hoàn thiện Dự án.

Con đường để hồi sinh 

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B Law, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển ổn định, dư địa còn nhiều, trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp, thì với việc xuất hiện các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính, việc chuẩn bị quỹ đất phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi luôn là bài toán được tính tới.

Còn theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, diễn biến thị trường cho thấy các doanh nghiệp nội đang dẫn dắt thị trường bất động sản thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Việc M&A các dự án sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như đền bù và giải phóng mặt bằng.

Ông Lương Sĩ Khoa cho biết, sau khi mua lại các dự án, doanh nghiệp khai thác triệt để những lợi thế của vị trí, điều chỉnh mức giá, đồng thời đưa ra những chiến lược tiếp cận khách hàng và bán hàng hiệu quả.

Dù xu hướng M&A các dự án là tín hiệu tích cực để TP.HCM xóa đi việc tồn kho các dự án bất động sản, tuy nhiên chính những dự án này cũng sẽ gặp không ít khó khăn để phát triển, bởi tính cạnh tranh cao và chủ đầu tư sẽ không có lợi nhuận khi phát triển dự án “hấp hối” này. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Nam Tuấn, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM. “Trước khi hấp hối, các chủ đầu tư đã vay ngân hàng số tiền rất lớn để đầu tư, tuy nhiên, trong những năm thị trường đóng băng, dự án không phát triển đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải bỏ tiền túi trả lãi khủng cho ngân hàng, giờ tái khởi động, căn hộ bán giá không thể cao, tiền chưa chắc đủ trả gốc và lãi ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, việc các dự án hồi sinh trong thời điểm này cũng được cho là một khó khăn. Đơn cử như Dự án Kenton Node, dù được “bơm” 1.060 tỷ đồng, nhưng tái khởi động và giới thiệu dự án ra thị trường trong giai đoạn hiện nay, chủ đầu tư sẽ gặp không ít thách thức lẫn rủi ro, khi phân khúc căn hộ hạng sang tại thị trường TP.HCM đang gặp khó về thanh khoản và giá đang có xu hướng chững lại.

Trong khi thanh khoản của căn hộ hạng A đang giảm mạnh, nguồn cung lại tiếp tục được bổ sung rất lớn, liệu các dự án hồi sinh có đủ sức bán được hết hàng trong thời gian này vẫn là câu hỏi khó có lời giải thỏa đáng.

Tỷ lệ hấp thụ của thị trường căn hộ TP.HCM trong quý I/2017 giảm khoảng 13% theo quý và với phân khúc căn hộ hạng sang, lượng giao dịch giảm mạnh nhất, giảm 50% theo quý và căn hộ hạng trung giảm 35% theo quý.
Dự kiến từ quý II/2017 đến năm 2019, thị trường căn hộ TP.HCM sẽ đón nhận thêm khoảng 62.200 căn hộ.

 

Tin liên quan
Tin khác