Cơ hội dành cho sản phẩm chất lượng
Ngày 16/6, Hội thảo: “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, kết nối giao thương, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam về thị trường xuất khẩu. Cụ thể trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.
Cơ hội xuất khẩu dành cho các sản phẩm chất lượng. |
Theo ông Lương Văn Tài, Tùy viên thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây của Trung Quốc lần lượt đạt 319 triệu tấn và gần 15 triệu tấn.
“Dù hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ khi Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật lại được áp dụng nhiều hơn như: Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật bị siết chặt, thường xuyên sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá”, ông Tài thông tin.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong đó, các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng hóa thực phẩm được quy chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhưng cần đúng nhu cầu
Nền kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này gây khó khăn và thách thức đối với hàng Việt.
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tại hội thảo. |
Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group cho biết, một ví dụ điển hình là trái thanh long, dù Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2015 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước này có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long trong nước đáp ứng thêm một phần nhu cầu người tiêu dùng.
Do đó, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thanh long, người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm…
“Tương tự với trái sầu riêng, hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường, nâng cao chất lượng là điều cần thiết nhưng việc giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm với người tiêu dùng mới là điều quan trọng”, ông Cường chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, từ nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký nghị định xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến… sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.
Do đó, theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TP.HCM (ITPC), để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật nhu cầu của người tiêu dùng, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… của thị trường Trung Quốc
Ðây cũng là gợi ý cho việc mở rộng mặt hàng xuất khẩu, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc để bù đắp kim ngạch cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.