Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. |
Sáng 14/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình).
Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết mục tiêu đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó có phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia này phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Trên thế giới trong nhiều năm qua công nghiệp văn hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và là xu thế của thời đại, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ông Định nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2020-2030 cũng nêu rõ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
“Lâu nay ta cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền nhưng trên thế giới hiện nay văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền và một ngành có giá trị gia tăng rất cao. Ta thấy có mấy cô ca sĩ của Hàn Quốc sang đây diễn mấy đêm là bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng”, ông Định dẫn chứng.
Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn, Nhà nước cũng không phải đầu tư gì nhiều mà chính là tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
“Chính phủ đã ban hành Chiến lược công nghiệp văn hóa và mới đây Thủ tướng chủ trì hội nghị chuyên đề về công nghiệp văn hóa, có lẽ là hội nghị đầu tiên có rất nhiều các số liệu và các đại biểu tham luận rất hăng say”, ông Định nói.
Dẫn số liệu từ hội nghị này, ông Định nêu công nghiệp văn hóa đóng góp vào GPP năm 2018 là 5,82%, năm 2019 là 6,02%, các năm 2020, 2021 có giảm xuống là do ảnh hưởng của Covid-19.
Từ đó, nhìn vào mục tiêu được nêu tại Chương trình là phấn đấu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, năm 2035 phấn đấu 8% GDP ông Định nhận xét là thấp, cần phải tính thêm.
Phó chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp phụ trách 5/12 lĩnh vực gồm có điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa và quảng cáo. 7/12 lĩnh vực còn lại được xếp vào công nghiệp văn hóa gồm kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, do các bộ và các cơ quan chuyên ngành khác quản lý.
“Như vậy 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia này tập trung vào đâu và trọng tâm, trọng điểm nào để thúc đẩy, đem lại lợi ích kinh tế, từ đó đóng góp vào GDP để có một nguồn thu rất lớn và dùng nguồn thu từ văn hóa để phát triển văn hóa”, ông Định nêu vấn đề.
Góp ý về về địa điểm, phạm vi thực hiện Chương trình, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ ra, tờ trình có nêu Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam và có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động học tập.
Tuy nhiên khi xem xét các nội dung, thành phần của chương trình thì không nêu tên các quốc gia cụ thể.
“Tôi đề nghị cần phải xác định rõ các quốc gia cụ thể ngay tại nội dung thành phần, vì đây là cơ sở quan trọng để xác định quy mô, phạm vi thực hiện chương trình, từ đó cũng làm căn cứ để xác định kinh phí, vốn đầu tư vào chương trình, tránh việc nêu chung chung dự toán không khớp thì sau này thủ tục điều chỉnh dự toán và bổ sung vốn sẽ rất phức tạp”, Tổng Thư ký Quốc hội góp ý.
Cũng liên quan đến địa điểm và phạm vi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong đề xuất chủ trương đầu tư của Chương trình có nội dung xây dựng một số công trình văn hóa tại địa bàn nước ngoài. Theo quy định của Luật Đầu tư công thì đây là quy định ngoài luật. Do vậy việc trình Quốc hội cho ý kiến là đúng thẩm quyền. Nếu luật cho phép thì có thể tự động xây dựng, nhưng vì luật không nêu thì phải báo cáo với Quốc hội để Quốc hội cho phép.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp. |
Về sự cần thiết cũng như ý nghĩa của việc có một số công trình văn hóa tại các quốc gia có đông người Việt sinh sống cũng như xét ở khía cạnh mối quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước đó thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ sự đồng tình và cũng nhất trí với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề xuất đưa vào trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ông Phương cho hay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để triển khai nhiệm vụ này thì chắc chắn sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương thì việc thiết kế các quy định cũng như hướng dẫn để triển khai các công trình này ở nước ngoài là hết sức quan trọng. Vì đối với các dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia thì việc triển khai rất khó khăn và không đơn giản, phải có rất nhiều các văn bản hướng dẫn chi tiết thì mới có thể triển khai được, mà triển khai ở nước ngoài thì lại càng vất vả hơn. Do vậy, việc này sau khi có chủ trương phải nghiên cứu kỹ các hướng dẫn để có thể làm được các công trình này ở nước ngoài một cách nhanh chóng trong phạm vi thời gian thực hiện của chương trình 5 năm hoặc 10 năm.