Đất nền không còn “sốt giá”
“Khi các bộ luật bất động sản mới có hiệu lực, phân khúc đất nền sẽ dần trở lại là ‘kênh đầu tư vua’”. Đây là dự báo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) trong báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2024.
Đất nền vẫn nằm trong khẩu vị đầu tư của nhiều người. Ảnh: Dũng Minh |
Nhận định trên là có cơ sở khi lượng giao dịch phân khúc thấp tầng, đất nền trong quý II/2024 ghi nhận tăng tới 60% so với quý trước. Tuy nhiên, hiện mức giá đã không còn lập đỉnh như giai đoạn quý I/2024, mà bắt đầu dần bình ổn trở lại.
Đối với những thửa đất có giá dưới 2 tỷ đồng tại một số tỉnh miền Bắc, mức giá chỉ tăng khoảng 5 - 10%. Thậm chí, giá đất tại khu vực phía Nam còn đi ngang.
Đi sâu vào phân khúc đất nền vùng ven, VARS cho biết, lượng giao dịch ghi nhận đà tăng nhưng chưa thực sự sôi động. Dẫu vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều hơn các nhà đầu tư đi "săn" đất và chủ động xây nhà trên thửa để kinh doanh.
“Một số khu vực có hiện tượng giao dịch tăng trưởng cục bộ rồi lại đi ngang, vùng ven Hà Nội cũng thuộc trường hợp đó. Mức giá tại khu vực này đã tăng khoảng 10 - 20% so với đầu năm”, các chuyên gia của VARS nhận định.
Đặc biệt, các cuộc đấu giá đất đã chứng kiến sự thành công cả về số lượng hồ sơ đăng ký và số tiền thu về. Trong nửa đầu năm nay, đã có những lô được đấu giá thành công với giá trị cao gấp 10 lần so với giá khởi điểm.
Với bất động sản thổ cư, lượng giao dịch tại khu vực trung tâm thành phố đã có phần chững lại, sau thời gian tăng trưởng “nóng”. Hiện dòng tiền của nhà đầu tư đang có xu hướng đổ về trung tâm các tỉnh thành lân cận Hà Nội và TP.HCM.
“Giao dịch vẫn đến chủ yếu từ các sản phẩm có giá bán từ 3-5 tỷ đồng tại trung tâm thành phố và trên dưới 2 tỷ đồng tại các vùng ven. Hiện mức giá vẫn đang duy trì ổn định hoặc có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-10% so với đáy”, báo cáo cho biết.
Hà Nội sẽ bổ sung 15 khu đất mới xây nhà ở xã hội
Đây là phát biểu của ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà xã hội.
Theo chỉ tiêu được giao tại đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu, UBND Thành phố đã lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, thành phố còn rà soát, bổ sung 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (tương đương 2.000 căn hộ/khu). Trong đó tập trung bố trí 2 - 3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ở của người dân. Ngoài ra, việc triển khai các dự án đầu còn chậm. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Đà Nẵng có 6 dự án bất động sản cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội, cùng đoàn giám sát, vừa làm việc với chính quyền TP. Đà Nẵng về các chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Chính quyền địa phương cho biết, hiện thành phố có 6 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc liên quan tới thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà nhà đầu tư “không có quyền sử dụng đất ở”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, các dự án gặp vướng mắc là khu phức hợp Hoàng Văn Thái Plaza của Công ty cổ phần Virtours Land; dự án nhà ở và thương mại dịch vụ của Công ty cổ phần Hoa Ky.
Ngoài ra, còn có trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square của Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng; khu biệt thự ven sông Khuê Trung của doanh nghiệp tư nhân Trường Đại Phúc; dự án tổ hợp căn hộ chung cư và thương mại dịch vụ - khu A2 của Công ty cổ phần Đầu tư Sơn Trà Beach.
Hà Tĩnh có hơn 300 dự án chậm tiến độ
Trong kỳ họp thứ 20 vào ngày 18/7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đã nhận được nhiều ý kiến chất vấn của đại biểu về các dự án chậm tiến độ.
Tại kỳ họp, ông Trần Việt Hà cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 240 dự án (ngoài khu du lịch Xuân Thành) và 73 dự án tại khu du lịch Xuân Thành cần phải tiến hành xử lý. Tiến độ giải quyết các dự án tồn đọng còn phức tạp, kéo dài.
Chia sẻ về các dự án chậm triển khai, ông Hồ Huy Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, thẳng thắn thừa nhận, hàng năm, tỉnh chấp thuận rất nhiều dự án. Tuy nhiên, việc kiểm soát, hậu kiểm sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư chưa được chặt chẽ, dẫn đến các dự án triển khai chậm trễ.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến lượng dự án tồn đọng trên có một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư để triển khai xây dựng hoàn thành danh mục của dự án, không để tồn đọng kéo dài.
Vinhomes lãi ròng 9% trong quý II/2024
Trong quý II/2024, CTCP Vinhomes (VHM) có doanh thu thuần khoảng 28.218 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản, mảng kinh doanh chiếm tới hơn 60% tỷ trọng doanh thu, lại chỉ dừng ở mức 17.842 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự án đang gánh vác mảng kinh doanh này chính là Vinhomes Royal Island.
Dự án Vinhomes Royal Island được định vị ở phân khúc cao cấp. Ảnh: VHM |
Đô thị trên tọa lạc tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Quy mô dự án là 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD. Đây là dự án nhắm đến đối tượng khách hàng cao cấp với loạt sản phẩm thuộc phân khúc shophouse, biệt thự, nhà liền kề…
Mặt khác, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ tổng thầu xây dựng, tư vấn thiết kế và giám sát thi công lại tăng mạnh từ mức 1.182 tỷ đồng lên 7.554 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Với việc giá vốn hàng bán và dịch cung cấp chỉ tăng nhẹ 2%, ở mức 19.904 tỷ đồng, nhưng doanh thu lại thấp hơn đáng kể, lợi nhuận gộp của công ty đã giảm tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ rơi vào khoảng 8.314 tỷ đồng.
Trong quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ, đạt 8.124 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh tăng mạnh từ 139 tỷ đồng lên 6.341 tỷ đồng.
Dẫu vậy, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng tăng tới 500%, lên tới 2.457 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu đã lên tới 1.464 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là điều đã được dự đoán từ trước, khi trong nửa đầu năm nay, Vinhomes đã phát hành thành công lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 12.500 tỷ đồng. Qua đó đưa tổng dư nợ trái phiếu của công ty đến cuối quý II/2024 là 27.779 tỷ đồng.
Sau cùng, Vinhomes có lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.608 tỷ đồng.
Xét lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vinhomes có doanh thu thuần là 36.429 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 11.512 tỷ đồng, giảm 88% so với năm 2023. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, hiện công ty mới thực hiện được khoảng 30% chỉ tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận
Lợi nhuận Phát Đạt giảm 81% vì “thị trường bất động sản khó khăn”
“Hiện nay, tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn, trong đó có ngành bất động sản. Do đó, việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chúng tôi chưa được thuận lợi”, đây là lý giải của đại diện CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) về khoản lãi ròng chỉ vỏn vẹn 49 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính mới đây của công ty cũng chỉ ra rằng, doanh thu thuần của PDR rơi vào khoảng khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn trong quý vừa qua ghi nhận tăng mạnh, từ 715 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái lên thành 6,5 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của PDR chỉ dừng ở mức 1,6 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi hoạt động bán hàng không đem lại nguồn thu lớn thì hoạt động tài chính lại trở thành mảng kinh doanh “cứu thua” cho Phát Đạt, khi mang về cho công ty 202 tỷ đồng trong quý II/2024. Gần như toàn bộ số tiền trên đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết.
Tính đến ngày 30/6/2024, Phát Đạt có tổng tài sản là 22.536 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với giai đoạn cuối năm 2023. Vốn chủ sở hữu là 11.004 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm ngoái. Nợ phải trả tăng nhẹ chưa đến 1%, lên 11.532 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho của PDR khoảng 12.523 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với hồi đầu năm và chiếm khoảng 55% tổng tài sản. Trong đó bao gồm nhiều dự án như The EverRich 2 (River City), Thuận An 1 và Thuận An 2, Tropicana Bến Thành…
Xét lũy kế 6 tháng đầu năm, PDR có doanh thu thuần khoảng 170 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ở mức 102 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước.
D2D lỗ 6,3 tỷ đồng vì doanh thu tài chính và chi phí quản lý
CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) có doanh thu quý II/2024 đạt 27 tỷ đồng, tăng khoảng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, đưa tổng doanh thu trong hai quý đầu năm đạt 53 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu đến từ việc cho thuê hạ tầng khu công nghiệp đang gồng gánh công ty, khi chiếm 68% tỷ trọng doanh thu, tương ứng với 36 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng lãi gộp của công ty trong quý II/2024 chỉ đạt 2,8 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm nay cũng chỉ dừng lại ở mức 10,8 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ so với năm ngoái.
Nguyên nhân của việc này đến từ giá vốn hàng bán trong quý II/2024 đã tăng tới 50% so với năm ngoái, lên mức 24,6 tỷ đồng. Xét trong 6 tháng đầu năm, tổng giá vốn đã lên tới 42 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2023.
Mức tăng trên xuất phát từ việc giá vốn của khu công nghiệp Châu Đức đã lên tới 13 tỷ đồng, tăng 44% so với năm ngoái. Ngoài ra, khoảng 4,4 tỷ đồng chi phí phát sinh mới từ giá vốn của dự án shophouse khu dân cư Hữu Phước cũng là một phần lý do.
Không dừng lại ở đó, xét trong nửa năm qua, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đã tăng từ 11 tỷ đồng lên 17 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản chi phí dịch vụ mua ngoài đã tăng mạnh từ 782 triệu đồng lên hơn 4 tỷ đồng.
Tương tự, chi phí sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng lên tới 117 tỷ đồng, tăng 134% so với năm trước. Chi phí dịch vụ mua ngoài vẫn là khoản tăng mạnh nhất, từ 4 tỷ đồng lên 52 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong quý II/2024 của D2D cũng đột ngột giảm mạnh xuống còn 619 triệu đồng, giảm 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Con số trên đã đẩy doanh thu tài chính nửa đầu năm chỉ còn 1,6 tỷ đồng, giảm gần 10 lần so với năm trước.
Theo đó, việc khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm mạnh từ 10,1 tỷ đồng xuống còn 1,3 tỷ đồng chính là nguyên nhân gây ra mức sụt giảm trên.
Sau cùng, D2D có lợi nhuận sau thuế âm 6,3 tỷ đồng trong quý II/2024. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã lỗ ròng tới 5,4 tỷ đồng.
Trước đó, D2D tự tin đặt mục tiêu kinh doanh trong năm 2024 sẽ có tổng doanh thu đạt 369 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 44,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả hiện tại, công ty mới chỉ hoàn thành được 14% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.