Sau đợt sốt, thị trường đất nền khu vực miền Trung đang vắng lặng, giao dịch rất ít Ảnh: P.T |
Bán cắt lỗ vẫn khó ra hàng
Thời gian gần đây, cơ quan nhà nước bắt đầu siết chặt chính sách vay vốn trong lĩnh vực bất động sản khiến các nhà đầu tư nhỏ, đầu tư lướt sóng gặp nhiều khó khăn. Cơn “sốt” đất tại miền Trung thật sự hạ nhiệt khi hoạt động giao dịch, mua bán nhà đất, thanh khoản bất động sản đang rất chậm. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư buộc phải bỏ cọc các lô đất đã trúng trước đó, hoặc bán cắt lỗ khi giá bất động sản giảm nhiều so với cách đây vài tháng.
Chị Bích Ngọc (Huế), nhà đầu tư lướt sóng tại Huế đang nóng ruột khi “ngâm” cùng lúc 3 lô đất nền tại thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền, nhưng nhiều tháng nay không thể chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Chị Ngọc cho biết, năm 2021, khi thị trường đất nền vùng ven sôi động, chị vay tiền ngân hàng mua đất ở tại các khu đô thị nhỏ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, dù nhờ nhiều sàn bất động sản ra hàng, nhưng rất khó.
“Giống như các tỉnh, thành phố khác, thời gian gần đây, đất nền ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có dấu hiệu hạ nhiệt, lượng khách hàng đi xem đất giảm mạnh. Hằng tháng, tôi phải trả tiền lãi ngân hàng, muốn ra hàng mà không được”, chị Ngọc nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, hiện tượng bán cắt lỗ diễn ra ở một số người sử dụng đòn bẩy tài chính lướt sóng đặt cọc sang tay, hoặc mượn tiền người thân để đầu tư ngắn hạn kiếm lời.
Báo cáo thị trường mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, mức độ quan tâm bất động sản trên phạm vi toàn quốc trong tháng 5/2022 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mức độ quan tâm phân khúc đất nền và đất nền dự án giảm lần lượt 12% và 20% so với tháng 5/2021.
Dưới góc nhìn sàn giao dịch, ông Trần Duy Phú, Giám đốc Công ty Bất động sản An Land cho biết, mấy tháng qua, đất nền vùng ven ở các huyện, thị xã Thừa Thiên Huế giao dịch rất chậm. Nếu tình hình bất động sản cuối năm 2022 không sôi động trở lại, thì các nhà đầu tư vừa và nhỏ chắc chắn gặp khó khăn.
“Đất nền vùng ven chưa tạo ra giá trị thực, tín dụng đang bị siết, nên giao dịch các sản phẩm dưới 1 tỷ đồng đang rất chậm. Hiện tại, các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến đất nội đô, đất nền ven các khu quy hoạch đô thị, nhà ở các khu dân cư có giá từ 1 đến 3 tỷ đồng”, ông Phú chia sẻ.
Còn ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Bất động sản Mũ Cối Land - chuyên cung cấp, giao dịch các sản phầm đất nền vùng ven khu vực Huế, Quảng Trị - cho biết, sau hơn 1 năm các sản phẩm đất nền có giá từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng được các nhà đầu tư giao dịch rất sôi động, thì nay đang chững lại. Nhiều tháng nay, đất nền vùng ven rất khó giao dịch do ngân hàng siết quy định tín dụng khiến các nhà đầu tư nhỏ không thể vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, việc hàng loạt nhà đầu tư lớn thổi giá ở các phiên đấu giá đất đã đẩy giá đất ở các vùng ven tăng ảo.
“Mấy tháng trước, dòng sản phẩm vùng ven, đất nền nông thôn có giá trên dưới 1 tỷ giao dịch rất sôi động. Đây là phân khúc có lượng nhà đầu tư đông. Tuy nhiên, hiện giờ, đất nền vùng ven hạ nhiệt, các nhà đầu tư lướt sóng, sử dụng đòn bẩy tài chính buộc phải bán nhanh cắt lỗ”, ông Dũng chia sẻ.
Đấu giá cao, bỏ cọc hàng loạt
Những ngày tháng 6/2022, quanh các khu đô thị, khu quy hoạch mới của TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) dần vắng bóng các nhóm môi giới bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, cơ quan vừa ban hành quyết định hủy “kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền” do quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo quy định.
Đây là những lô đất đã được UBND huyện Cam Lộ phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong đợt 3/2022, với giá đấu trúng gần 18 tỷ đồng.
Trong khi đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) thông tin, UBND TP. Đông Hà cũng vừa có quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất trên địa bàn.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đợt 2, với 58 lô đất được công nhận trúng đấu giá, trên tổng diện tích hơn 12.500 m2, tổng số tiền trúng đấu giá hơn 191 tỷ đồng.
Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Chi cục Thuế khu vực Đông Hà - Cam Lộ ban hành thông báo, người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền. Tuy nhiên, khách hàng trúng đấu giá 2 lô đất ở khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo và 7 lô đất ở Khu tái định cư Bắc sông Hiếu không nộp đủ tiền, nên UBND TP. Đông Hà ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá. Toàn bộ 10% giá khởi điểm các lô đất mà khách hàng cọc được nộp vào ngân sách huyện.
Những lô đất bị hủy kết quả trúng đấu giá tại tỉnh Quảng Trị nêu trên đều được nhà đầu tư, khách hàng săn đón và có giá trúng đấu giá cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm.
Ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, những lô đất này sẽ được tiếp tục mở đấu giá vào những phiên đấu giá sau.
Theo một giám đốc công ty bất động sản tại Quảng Trị, nguyên nhân khách hàng chấp nhận bỏ cọc là do thị trường bất động sản có xu hướng hạ nhiệt, giá đất nền giảm. Nhiều dự án bất động sản cũng có dấu hiệu “đóng băng” xuất phát từ việc các ngân hàng tiến hành rà soát, thắt chặt quy trình cho vay...
“Bỏ cọc cũng có thể là chiêu thức của nhà đầu tư. Trước đó, họ đã thu mua nhiều lô đất ở quanh khu vực đấu giá, rồi tham gia đấu giá đất với giá cao, sau đó thổi giá đất quanh đó lên để bán. Bán được rồi thì bỏ luôn tiền cọc ở lô đấu trúng”, vị giám đốc này chia sẻ.