Đền Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình) thờ Bát Nạn Tướng Quân Vũ Thị Thục. |
Đền Tiên La, sự cộng hưởng huyền diệu từ một danh thắng lịch sử
Thái thú nhà Hán Tô Định biết Thục Nương là cô gái tài sắc vẹn toàn, đã cho bắt phụ thân và chồng chưa cưới ép gả Thục Nương. Bị cự tuyệt, Tô Định giết hại cả hai rồi cho quân lùng bắt. Thục Nương phải phá vòng vây, về chùa Tiên La nương nhờ cửa Phật.
Nợ nước thù nhà, Thục Nương đã chiêu tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng “Bát Nạn Tướng Quân”, chống lại quân xâm lược Nam Hán. Được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Thục Nương đem quân hợp sức, được phong “Đông Nhung Đại Tướng Quân”. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã giành toàn thắng vào mùa Xuân năm 40.
Thất bại nặng nề, nhà Hán đã sai Mã Viện đem quân sang đánh nước ta. Giặc rất mạnh, quân ta phải rút lui dần… Cuối năm 43, cuộc chiến chống xâm lược của Hai Bà Trưng thất bại, Tướng Bát Nạn và nghĩa quân phải về Tiên La cố thủ. Quân Hán tiếp tục vây ép. Trong trận chiến cuối cùng, Bát Nạn Tướng Quân đã cùng nghĩa quân anh dũng hy sinh ở gò Kim Quy vào ngày 17/3/43. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bát Nạn Tướng Quân, người dân đã lập Đền Tiên La.
Đền Tiên La được xây dựng theo nguyên mẫu kiến trúc cổ “Tiền nhất, hậu đinh” từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng lưỡng long chầu nguyệt. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc.
Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền. Đền Tiên La còn lưu giữ được nhiều đồ tế quý giá, thần tích, sắc phong thời Lê đến thời Nguyễn.
Đền Tiên La là một thắng cảnh giữa đồng bằng, là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng, nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 Âm lịch, người dân lại mở Lễ hội Tiên La, tục gọi là lễ “giỗ mẹ tháng Ba”, với nhiều nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian…
Đền Trần - Di tích quốc gia đặc biệt
Tọa lạc trên mảnh đất thuộc thôn Tam Đường (xã Tiến Đức, Hưng Hà), di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được nhân dân cả nước biết đến là di tích quốc gia đặc biệt, một địa chỉ du lịch - văn hóa - tâm linh nổi tiếng, độc nhất vô nhị.
Di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (thôn Tam Đường (xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình). |
Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 16 ha, hướng kiến trúc quay về phía Nam. Di tích được xây dựng uy nghi, bề thế, phía trước có 3 gò ấn kiếm, còn gọi là mộ vua. Cổng đền rộng 11 m, cao 6,5 m, kiểu tam quan cuốn vòm, mái chảy chồng diêm hai tầng, đao song loan cách điệu, trụ biểu lồng đèn lá lật, nghê chầu nơi sơn thủy tối linh. Tòa bái đường với cửa lim theo phong cách thời Lê cùng hệ thống bẩy kẻ, vì kèo chạm trổ tứ quý, tứ linh niên đại thời Nguyễn, thờ ngai và bài vị của hội đồng các quan, văn, võ triều Trần.
Qua bái đường là sân chầu rộng, hai bên là hai tòa giải vũ, mỗi tòa 5 gian, với mái chảy, vì kèo chồng đấu hoa sen hồi văn năm dấu. Tòa đệ nhị kết nối tòa bái đường và sân chầu, bao gồm 5 gian, chính giữa thờ thánh tượng vua Trần Thái Tông - vua đầu tiên của triều Trần; bên trái thờ thánh tượng vua Trần Thánh Tông - con trưởng vua Thái Tông, đời vua thứ hai của triều Trần; bên phải thờ thánh tượng vua Trần Nhân Tông - vua thứ ba của triều Trần. Hậu cung có nền cao, với nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo có niên đại triều Nguyễn. Đây là nơi thờ linh vị cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Thánh tượng Trần Thừa, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung - những người có công lao khai sinh ra Vương Triều Trần hiển hách.
Lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục đậm nét văn hóa thời Trần, như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ... Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng Âm lịch.
Hành cung Lỗ Giang - một cung điện hoàng gia nguy nga, tráng lệ
Hành cung Lỗ Giang - một trong những hành cung lớn được nhà Trần xây dựng trên đất phát tích Long Hưng, đang dần hé lộ một cung điện hoàng gia nguy nga, tráng lệ.
Hành cung Lỗ Giang thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, cách khu lăng tẩm nhà Trần ở làng Tam Đường khoảng 6 km về phía Đông. |
Hành cung Lỗ Giang thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, cách khu lăng tẩm nhà Trần ở làng Tam Đường khoảng 6 km về phía Đông.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của phát hiện khảo cổ học, năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh thành khai quật sâu hơn tại Đền Thái Lăng, Lăng Sa trong và Lăng Sa ngoài. Tại đây, xuất lộ toàn bộ kiến trúc cung đình thời Trần. Lăng Sa ngoài cách đền Thái Lăng khoảng 120 m, tại đây có nhiều đoạn tường thành bằng sỏi sét. Đây có thể là móng của một ngọn tháp, khu mộ cổ. Tại Lăng Sa trong còn tìm thấy dấu vết của cổng, tường cung điện...
Hành cung Lỗ Giang tiếp tục được khai quật, nghiên cứu khảo cổ học. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, huyện Hưng Hà phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành, xây dựng Dự án điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tổng thể Khu di tích Hành cung Lỗ Giang và Dự án bảo tồn cấp thiết di tích kiến trúc thời Trần dưới mái che tại Đền Thái và các di tích đã xuất lộ ở Lăng Sa trong, Lăng Sa ngoài. Đồng thời, lập phương án thu hồi đất Khu di tích Hành cung Lỗ Giang phục vụ công tác khai quật, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích...
Hành cung Lỗ Giang được thiết kế theo hình chữ Công, trên diện tích 554 m2. Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thấy một tổ hợp công trình kiến trúc đặc biệt tại Hành cung Lỗ Giang thời nhà Trần. Đó là hệ thống móng trụ kép hình chữ nhật có kích thước lớn gấp 3 móng trụ vuông thông thường.
Trong hành cung, còn tìm thấy nhiều viên ngói trang trí mặt sư tử, khắc chữ Vương, cùng rất nhiều di vật được trang trí đề tài rồng, phượng. Hành cung Lỗ Giang được cho là dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông và là Hành cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông. Tất cả đã cho thấy, Hành cung Lỗ Giang có vai trò chính trị quan trọng không kém Hoàng thành Thăng Long thời bấy giờ.
Đền Trần và Hành cung Lỗ Giang nằm gần ngã ba sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý, rất thuận hòa cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh - sinh thái. Trong tương lai, Hành cung Lỗ Giang không chỉ là nơi thu hút khách du lịch, mà còn là nơi lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.
Từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn. |
Lê Quý Đôn, nhà bác học xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới
Danh nhân Lê Quý Đôn là một nhà bác học kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Ông là một thần đồng, một hiện tượng kỳ lạ của dân tộc, một tập bách khoa toàn thư, một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học... lỗi lạc, xứng đáng được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Sự vĩ đại trong sự nghiệp trước tác của Lê Quý Đôn không chỉ ở số lượng đồ sộ, mà còn là những giá trị ngời lên tư tưởng tiến bộ.
Giá trị tư tưởng tiến bộ chủ đạo của ông là khẳng định và đề cao nền văn hóa, văn hiến dân tộc. Ở Kiến văn tiểu lục, ông nhắc đi, nhắc lại những sự kiện lịch sử vẻ vang thời Lý - Trần. Ở Quần thư khảo biện, ông nhắc việc nhà Tống học cách tổ chức quân đội của Đại Việt. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn đã nhắc việc nhà Minh học cách chế súng của Hồ Quý Ly. Hầu hết các bài tựa sách, Lê Quý Đôn đều khẳng định nước ta có truyền thống văn hiến không thua kém Trung Quốc. Sở trường chữ Hán, nhưng Lê Quý Đôn rất trân trọng văn Nôm.
Đi sứ về, ông đã viết một bài khải chữ Nôm dâng Trịnh Sâm, báo cáo việc đấu tranh với quan lại nhà Thanh, buộc chúng phải bỏ chữ “di quan, di mục” trong thư từ, công văn trao đổi với sứ bộ nước ta. Đây là một trong những bài văn xuôi đầu tiên bằng thứ ngôn ngữ sáng tạo của dân tộc Việt.
Một tư tưởng rất tiến bộ của Lê Quý Đôn là ý thức đề cao vai trò to lớn của nhân dân, yêu nước, thương dân. Trong Quế đường thi tập, ông viết về nỗi cực nhọc người nông dân với những câu thơ đầy sự sẻ chia, cảm thông. Ông đã nhiều lần khuyên can bề trên “lấy đức mà khoan sức cho dân” và răn bảo kẻ dưới “làm quan thì phải biết thương dân”. Trong Thư kinh diễn nghĩa ông viết: “Thiên tử cùng các quan đại phu, hằng ngày ăn mặc đều lấy ở dân. Những hạt cơm ở trên mâm đều là tân khổ của nông dân. Đã không hiểu sự vất vả của nhân dân, thì sinh ra phóng dật xa xỉ, tiêu dùng xa xỉ thì hại của, hại của nhất định hại dân”. Trong Quần thư khảo biện, ông nhấn mạnh: "Gốc của nước vốn ở dân, sinh mệnh của vua cũng ở dân". Và để giáo dục đạo đức, Lê Quý Đôn sưu tầm những tấm gương sáng, lời hay, việc đẹp thành sách quý, như Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm tục.
Đặc biệt, tư tưởng và quan điểm phát triển kinh tế "Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng" của ông có thể hiểu nông, công, thương, trí - 4 trụ cột trong nền kinh tế đất nước, sau gần 300 năm vẫn còn nguyên giá trị, hòa nhập vào công cuộc đổi mới, đưa nước ta phát triển thịnh vượng.