Nói về việc tư vấn và thực hiện chuyển đổi số cho các khách hàng lớn như Văn phòng Chính phủ, các địa phương hay doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Ngân hàng Quân đội (MB), ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho biết: đó là một hành trình. 6 tháng là thời gian trung bình người Viettel phải bỏ ra để tư vấn và chứng minh năng lực của hạ tầng điện toán đám mây Make in Vietnam với một khách hàng
Bên cạnh vai trò tư vấn, giúp khách hàng thấu hiểu lợi ích của điện toán đám mây (cloud), người Viettel còn giới thiệu các sản phẩm, cả của Tập đoàn Viettel lẫn các doanh nghiệp Việt Nam khác và thế giới để khách hàng có bức tranh toàn cảnh nhất. Chính cách làm này giúp khách hàng thực sự hiểu và có lựa chọn đúng đắn nhất.
“Với Viettel, thứ nhất chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam nên mọi dữ liệu của khách hàng đều nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Thứ 2, chúng tôi có đội ngũ, có nguồn lực hỗ trợ, tư vấn và triển khai đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành với khách hàng trong quá trình chuyển đổi số về sau”, ông Lê Quang Hiếu - người còn được biết tới trong vai trò đồng sáng lập cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở (OpenStack) Việt Nam, cho biết.
|
Cùng với khả năng đảm bảo an toàn an ninh mạng, Viettel tự tin có thể giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù với Việt Nam, như đáp ứng các tiêu chuẩn của Nghị định 13, Nghị định 53 về lưu trữ, bảo mật, mã hoá dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Thực tế, các nhà cung cấp nước ngoài bao gồm cả Big Tech có năng lực về bảo mật nhưng lại khó bám sát và đáp ứng nhanh những quy định đặc thù của Việt Nam như Nghị định 53, Nghị định 13 về nội địa hoá dữ liệu tại Việt Nam cũng như lưu trữ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới… Trong khi đó, Viettel với 35 năm kinh nghiệm triển khai hạ tầng viễn thông và CNTT tại Việt Nam, cùng hơn 4 năm triển khai nền tảng điện toán đám mây cho toàn tập đoàn, trở thành một lựa chọn đáng tin cậy và phù hợp với các quy định.
Dù vậy, hành trình thuyết phục khách hàng trong thực tế cũng không dễ dàng. Khi cung cấp giải pháp xác thực định danh người dùng (eKYC) cho MB, ngân hàng này đang sử dụng giải pháp tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Họ có những tiêu chuẩn gắt gao về bảo mật, tính năng và hiệu năng. Khách hàng so sánh rất nhiều, thậm chí chọn những lúc cáp quang biển bị đứt để thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, sau gần 6 tháng đánh giá, giải pháp của Viettel đã đáp ứng được mong muốn của khách hàng.
“Chúng tôi bắt đầu tăng diện triển khai từ 1% lên 10% rồi sau đó là 100%. Đến bây giờ, dịch vụ đang vận hành ổn định đồng thời giúp khách hàng yên tâm triển khai các kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo”, ông Hiếu cho biết.
Trên thực tế, Viettel Cloud không phải sản phẩm đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, cái “được” của Viettel là làm chậm nhưng chắc chắn và có những lợi thế nhất định. “Chúng tôi bắt đầu làm điện toán đám mây từ 2018 và áp dụng nội bộ để xem có hiệu quả hay không. Khi chứng minh được hiệu quả, phải 4 năm sau, năm 2022, chúng tôi mới ra mắt chính thức dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp và khách hàng khác”, ông Lê Quang Hiếu nói.