Ngân hàng
Đấu trường tài chính tiêu dùng nhộn nhịp sang tên đổi chủ
Thùy Liên - 06/02/2018 08:24
Ngày 1/2/2018 vừa qua, Tập đoàn VNPT đã bán đấu giá thành công Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho SeABank. Trước đó, cuối tháng 1/2018, Công ty Shinhan Card cũng chi hơn 150 triệu USD thâu tóm Công ty tài chính Prudential Việt Nam. Thị trường chuyển nhượng công ty tài chính tiêu dùng nhộn nhịp ngay từ đầu năm 2018.
BIDV là một trong hai ngân hàng vừa tham gia đấu giá mua lại Công ty tài chính PTF

Hai thương vụ mở màn năm 2018

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, ngày 1/2/2018 vừa qua, VNPT đã tổ chức đấu giá thành công Công ty Tài chính Bưu điện với 2 ngân hàng tham gia đấu giá. Kết quả, VNPT đã bán được Công ty Tài chính Bưu điện với mức giá cao hơn mức định giá của VNPT đưa ra (giá khởi điểm là 500 tỷ đồng).

“Hiện VNPT đang chuẩn bị hồ sơ trình lên Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT để chính thức ký hợp đồng bán lại Công ty Tài chính Bưu điện cho SeABank", ông Trần Mạnh Hùng phát biểu.

Như vậy, PTF đã về tay SeABank dù trước đó có nhiều người nhòm ngó. Hiện tại, trên thị trường rất nhiều ngân hàng đang có ý định thâu tóm công ty tài chính như BIDV, ACB, OCB, TPBank… song lượng “hàng tốt” trên thị trường không còn nhiều. 

Theo báo cáo của PTF, công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, song tổng tài sản chỉ vỏn vẹn 378 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Đáng chú ý, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty năm 2016 chỉ đạt 4,1 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước đó (8,8 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 14,7 tỷ đồng (kế hoạch năm 2017là 22 tỷ đồng). Cả công ty chỉ có hơn 50 lao động.

Trước thương vụ bán PTF của VNPT, cuối tháng 1/2017, Tập đoàn Prudential công bố bán 100% mảng tài chính tiêu dùng tại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) cho Công ty thẻ Shinhan (Shinhan Card), một công ty con thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan của Hàn Quốc với giá gần 151 triệu USD. Hiện PVFC là một trong 4 công ty tài chính có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Bóng dáng nhà đầu tư ngoại và cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Trên thị trường hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính. Trong vòng 5 năm qua, làn sóng mua bán công ty tài chính diễn ra hết sức tấp nập. Nếu như năm 2012, cả nước có 12 công ty tài chính trực thuộc tập đoàn, DNNN thì hiện chỉ còn 4 công ty (Xi măng, Điện lực, Handico, Vinashin).

Ngược lại, số ngân hàng sở hữu công ty tài chính lại tăng lên chóng mặt. Nếu tính cả thương vụ mua lại PTF nói trên, thị trường đã có tới 7 ngân hàng mua lại công ty tài chính, bao gồm: MSB, Techcombank, MB, HDBank, VPBank, SHB, SeABank.

Đặc biệt, hiện thị trường chỉ có 5 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài. Thế nhưng, bóng dáng nhà đầu tư ngoại trong thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng rõ nét.

Trong 4 công ty tài chính tiêu dùng chiếm thị phần lớn nhất hiện nay thì đã có tới 2 công ty 100% vốn ngoại (Home Credit và Prudential), HDSaison gần một nửa vốn ngoại. Chỉ riêng FE Credit chưa có ý định tìm cổ đông chiến lược nước ngoài.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng NHNN:

Dù ngày càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng thành lập, song hiện nay, thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước. Hơn nữa, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, còn rất nhiều người dân chưa được đáp ứng nhu cầu về tín dụng tiêu dùng. Chính vì vậy, tôi cho rằng, NHNN nên có hành lang pháp lý cởi mở hơn để thúc đẩy các công ty tài chính tiêu dùng phát triển.

Tương tự HDSaison, hầu hết các công ty tài chính trên thị trường cũng không giấu ý định tìm vốn ngoại. Cuối năm ngoái, Công ty Tài chính tiêu dùng Mcredit (MB) đã bán 49% cho đối tác Nhật Bản. 

Sự tham gia của các đối tác nước ngoài giúp thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam chuyên nghiệp hơn, song cạnh tranh cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn khi ngày càng nhiều đối thủ gia nhập thị trường, chưa kể hàng loạt fintech trong lĩnh vực này cũng xuất hiện.

Trao đổi với báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhiều ngân hàng phát triển tốt mảng cho vay tiêu dùng mà không nhất thiết phải thành lập hay mua lại công ty tài chính. Do đó, việc tự phát triển lĩnh vực này hay thành lập/mua lại công ty tài chính tùy thuộc vào chiến lược phát triển của từng ngân hàng.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, ngân hàng này không mua lại công ty tài chính bằng mọi giá. “Hiện nay, trên thị trường không có nhiều công ty tài chính tốt, việc mua lại công ty tài chính có sức khỏe yếu chỉ để lấy tờ giấy phép không phải là lựa chọn khôn ngoan”.

Tin liên quan
Tin khác