Viễn thông - Công nghệ
Đầu tư an ninh hạ tầng trọng yếu: Chuyện không thể xem nhẹ
Bảo Minh - 13/01/2021 13:39
Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh cho hệ thống hạ tầng trọng yếu (CI-Critical Infrastruture), như cơ sở năng lượng, sân bay, đập nước… có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia.

Thế giới gia tăng bảo vệ

Sự kiện hai nhà máy lọc dầu của Saudi Aramco bị tấn công bằng các thiết bị bay không người lái (UAV) vào ngày 14/9/2019 khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia, quốc gia dẫn dắt Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm một nửa và đẩy giá dầu thế giới lên cao, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ. Khu vực tưởng như luôn được bảo vệ ở mức độ bất khả xâm phạm bỗng trở nên mong manh trước sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố, những bất ổn xã hội và hoạt động chống phá từ nhiều thế lực.

Trong bối cảnh này, các quốc gia đều có chính sách riêng để bảo vệ những hạ tầng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội và chính trị. Báo cáo năm 2019 của Hãng Visiongain (Anh quốc) dự báo, doanh số thị trường bảo vệ hạ tầng trọng yếu sẽ vượt mốc 200 tỷ USD/năm vào năm 2030. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân toàn ngành cũng tăng đều từ năm 2019 đến năm 2030, lên mức hai con số vào năm 2023. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có doanh thu cao hơn tất cả khu vực còn lại.

Sơ đồ minh hoạ bố trí radar trong Giải pháp AdvanceGuard của Navtech Radar.

Trong các rủi ro về an ninh liên quan tới CI, tấn công mạng để chiếm quyền kiểm soát trung tâm, can thiệp SCADA (hệ thống thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa), gây ra sự gián đoạn khả năng phục vụ là hình thức phổ biến hiện nay. Có thể nhắc tới vụ tấn công Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) năm 2002 làm giảm sản lượng từ 3 triệu thùng/ngày xuống mức 370.000 thùng/ngày; vụ tấn công Saudi Aramco năm 2012 khiến 30.000 máy tính của nhân viên bị truy cập trái phép; hay vụ tấn công lưới điện quốc gia Ukraine vào năm 2015 khiến 600.000 hộ gia đình mất điện…

Bên cạnh đó, tấn công bằng UAV cũng dần trở thành lựa chọn hấp dẫn của những kẻ có âm mưu phá hoại. Trước khi Saudi Aramco bị thiệt hại nặng do UAV, ngày 25/1/2019, Tổ chức Hòa bình Xanh đã đưa ra cảnh báo và chỉ ra điểm yếu dễ bị tổn thương của các CI với việc sử dụng hai UAV thâm nhập sâu vào khu vực tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Orano ở La Hague (Pháp), sau đó thả bom khói lên nóc toà nhà có nồng độ phóng xạ cao nhất thế giới. Trong một thông báo ngắn trên trang web chính thức, Tổ chức Hòa bình Xanh tuyên bố đã thêm một lần nữa chứng minh các cơ sở hạt nhân của Pháp không được bảo vệ đầy đủ.

Ưu thế của công nghệ

Cuộc cách mạng công nghệ đã làm thay đổi toàn diện cách chúng ta sống, làm việc và cả cách đảm bảo an ninh cho mọi mặt của đời sống. Mặc dù con người luôn ở vị trí trung tâm trong phản ứng, đối phó với các vấn đề an ninh, nhưng công nghệ ngày càng cho thấy chúng có thể thay đổi cán cân lợi thế.

Trong cuốn sách Carry on: Sound Advice from Schneier on Security (tạm dịch là Tiếp tục đi - Lời khuyên về an ninh từ Schneier), tác giả Bruce Schneier đã nêu lên thực trạng sử dụng công nghệ để tạo ưu thế ở cả phía bảo vệ và tấn công. Ở đó, những kẻ tấn công thường linh hoạt hơn trong quá trình áp dụng công nghệ mới vì chúng không cần những quy định rườm rà trong việc ra quyết định và thực thi.

Ông Bruce Schneier, Giảng viên chính sách công tại Trường Harvard Kennedy - một chuyên gia về công nghệ an ninh, đồng thời là nhà phê bình nổi tiếng thế giới - từng đề cập sự cân bằng động giữa người bảo vệ và kẻ tấn công. Nói đơn giản, đây giống như trò chơi  “mèo và chuột” và chuột thường dễ tìm được kẽ hở để đột kích vào khu vực mà “mèo” quản lý, do “mèo” phải bao quát quá rộng để ngăn chặn mọi cuộc xâm phạm khả dĩ của “chuột”.

Trên thực tế, lợi dụng sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các lực lượng, sự bất lợi của thời tiết, sự lơ là, chủ quan của con người (nhất là khi hệ thống bị nhiễu bởi tác nhân bên ngoài gây ra nhiều báo động sai) để đột nhập qua các tường rào vật lý, những khu vực cảnh giới có nhân viên an ninh nhằm thực hiện tấn công có chủ đích vẫn tiếp tục là kịch bản được các tổ chức khủng bố lựa chọn.

Vậy nên, giới chức trách an ninh đã tận dụng cả công nghệ radar nhằm thiết lập mức bảo vệ mới mà giải pháp khác như cáp ngầm cảm ứng, cảm biến thông thường… không đáp ứng được.

Một loạt hãng như Terma, Honeywell, Kelvin Hughes, FLIR, Navtech Radar… đã có bước tiến nhanh về công nghệ radar dân sự cho ứng dụng giám sát an ninh vành đai. Tỷ lệ báo động giả ở mức cực thấp, hiệu suất tốt trong mọi điều kiện thời tiết, độ phân giải cao, phạm vi bao phủ rộng… là những ưu điểm dễ nhận ra ở công nghệ radar.

Không chỉ vậy, nhờ lõi phần mềm quân sự và thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo), các phần mềm được phát triển đồng bộ cùng cảm biến radar giúp đem tới tùy biến kiểm soát an ninh tuyệt vời. Chẳng hạn, phần mềm của Navtech Radar có khả năng dự đoán mô hình hành vi có nguy hiểm hay không dựa trên sự di chuyển; hoặc phân biệt được đâu là “quân mình”, đâu là “kẻ địch”. Đây cũng là hãng duy nhất hiện nay sở hữu giải pháp sử dụng UAV tự động giám sát an ninh nhờ radar mặt đất dẫn đường.

Ở khía cạnh khác, năng lực phát hiện và vô hiệu hóa UAV đối phương cũng là đích nhắm đến của nhiều hãng công nghệ. Rõ ràng, một cuộc đua vô cùng gay cấn đang diễn ra, nhưng chỉ những hãng có nền tảng quân sự mới đủ khả năng minh chứng hiệu quả hệ thống do đây là loại hình công nghệ cao và có nguồn gốc quân đội.

Elbit Systems, IAI, Skylock, Blighter, Sabb… là những cái tên đáng chú ý. Điểm chung của các hãng này là sử dụng hình thức nhiều lớp phát hiện, phòng thủ đa tầng, để không một UAV nào trong khu vực an ninh thoát khỏi tầm kiểm soát. Ngay cả khi bị bao vây cùng lúc bởi chùm UAV “không thân thiện” lập trình sẵn (khó dùng áp chế điện tử để hoá giải), tương tự cuộc tấn công vào hai nhà máy thuộc Saudi Aramco, thì đơn vị bảo vệ CI vẫn có công cụ khắc chế, đó là dùng UAV “tự sát”, một kiểu thức phòng thủ độc đáo do Skylock nghiên cứu.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng

Tại Việt Nam, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Từ đó đến nay, Chính phủ liên tục ban hành các quyết định về những công trình được đưa vào Danh mục Công trình an ninh quốc gia nhằm nâng cao tính bảo vệ và xem đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Có thể kể đến Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quốc; Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 đối với Nhà máy Thuỷ điện Sơn La; Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 20/1/2017 đối với Nhà máy Thủy điện Hoà Bình; Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 7/2/2017 đối với Hồ chứa nước Dầu Tiếng; Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 5/7/2018 đối với Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất…

Mặt khác, Chính phủ cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia theo Quyết định số 1908/QĐ-TTg ngày 5/11/2015 để có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trên mặt trận đầy cam go, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, Chính phủ có những văn bản chỉ đạo phù hợp, điển hình như Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 7/1/2016 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng không dân dụng, hay Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 30/8/2019 về tăng cường công tác an ninh hàng không dân dụng trong tình hình hiện nay.

Thực tế trên đã khẳng định rằng, Việt Nam luôn ở tâm thế chuẩn bị cao nhất để đối phó các tình huống mới. Dù vậy, vì nhiều lý do, nên việc đầu tư, đặc biệt là đầu tư trang bị công nghệ hiện đại cho nhiệm vụ bảo vệ các CI (hay công trình an ninh quốc gia, theo cách gọi của Việt Nam) chưa thể nói là theo kịp xu hướng của thế giới, nhất là xu hướng “AI hoá” và “Radar hoá”.

Tính ổn định của một quốc gia là bệ phóng cho phát triển kinh tế. Trong sự ổn định đó có đóng góp không nhỏ của việc đảm bảo an ninh luôn ở mức tuyệt đối ở các CI. Bộ trưởng Bộ Giao thông  - Vận tải Nguyễn Văn Thể từng nói trong cuộc họp chỉ đạo sau một loạt sự cố về an ninh hàng không vào năm 2018, rằng: “Với an ninh hàng không là phải tuyệt đối, không nói chuyện tiết kiệm trong an ninh hàng không”.

Vậy nên, đầu tư cho an ninh ở các CI, đặc biệt là những nơi rất nhạy cảm như sân bay, lọc hoá dầu là một quá trình cần liên tục và không thể chủ quan…

 

An ninh ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn được quan tâm đặc biệt

 Sau 5 năm hứng chịu nhiều cuộc tấn công mạng, năm 2016, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã phối hợp với Honeywell để nâng cấp toàn diện hệ thống an ninh mạng. Một chuyên gia kỳ cựu về an ninh cho biết, đối với một công trình quan trọng như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì việc cần đảm bảo an ninh mạng, trên không và mặt đất luôn được quan tâm đặc biệt và cần không ngừng được củng cố bằng các biện pháp, công nghệ hiện đại.

 

Tin liên quan
Tin khác